Thanh Hóa nỗ lực kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Bảy, 30/09/2023 11:38 AM (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, hôn nhân và gia đình, trật tự trị an xã hội. Thanh Hóa trong bối cảnh ấy đã tích cực đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Trong những năm gần đây, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra ngày càng nặng nề. Mất cân bằng GTKS gây ra nhiều hệ lụy nặng nề đối với đời sống xã hội, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em. Dự báo Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi vào năm 2034. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm tăng áp lực trong hôn nhân như kết hôn sớm hoặc muộn, kết hôn có yếu tố nước ngoài ra tăng; gia tăng tệ nạn xã hội (buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm, bạo lực gia đình).

Đối với riêng tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, căn cứ Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 12-3-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án gắn với các hoạt động cụ thể, thiết thực được triển khai từ tỉnh đến các địa phương. Hiện nay, Đề án đang được triển khai tại 559 xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tỉnh đã vận dụng rất nhiều phương thức linh hoạt có hiệu quả để có thể vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp ủy đảng, chính quyền địa trong việc thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh; vừa nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn vận động của đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là đội ngũ làm công tác dân số tại cơ sở thông qua các hội nghị tập huấn. Năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ đã xây dựng được 4 phóng sự, 4 chuyên trang trên báo, 620 tin bài, 2.480 lượt phát thanh trên hệ thống thông tin xã, phường; 310 buổi nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS với hơn 15.500 lượt người tham gia; 808 buổi sinh hoạt câu lạc bộ về nội dung MCBGTKS với hơn 40.400 lượt người tham gia. Chi cục cũng đã nhân bản 39.660 tờ rơi và 3.327 cuốn tài liệu truyền thông cấp cho cán bộ thực hiện công tác dân số huyện, xã và người dân tại các đơn vị triển khai đề án với nội dung kiến thức về giới và giới tính khi sinh; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 cộng tác viên dân số về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh, MCBGTKS, thực trạng và giải pháp.

Năm 2023, căn cứ Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 12-3-2020 và Quyết định số 1974/QĐ-UBND, ngày 08-6-2023 của UBND tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ triển khai thực hiện các nội dung về MCBGTKS, bình đẳng giới thông qua các hình thức truyền thông; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh để thực hiện tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng. Đồng thời, Chi cục cũng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của đề án, kiểm tra việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi.

Ở cấp cơ sở, Trung tâm y tế các huyện hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với UBND xã thực hiện biên tập tài liệu truyền thông và tuyên truyền trên hệ thống truyền thông của xã về các nội dung như mục đích, ý nghĩa, các nội dung triển khai thực hiện đề án mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; hậu quả của MCBGTKS; nêu gương gia đình thực hiện tốt chính sách dân số. Đồng thời tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là nam/nữ chuẩn bị kết hôn, sinh con theo quy định của pháp luật. Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba. Ở mỗi xã thành lập 1 câu lạc bộ cho đối tượng phụ nữ sinh con một bề là bé gái. Câu lạc bộ được thành lập nhằm giới thiệu các quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính; chia sẻ kinh nghiệm nuôi con ngoan, trò giỏi, chăm sóc ông bà người cao tuổi trong gia đình; giao lưu học hỏi những kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế gia đình.

Trên thực tế, để có được những kết quả quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ nói chung, giảm dần tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả. Quan Sơn được coi là một trong những huyện nghèo, vùng cao của tỉnh. Từ năm 2023, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Trong đó đề ra mục tiêu là tập trung giảm sinh ở những vùng có mức sinh cao. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ tiêu năm 2023, toàn huyện có 41.898 người; tỷ số giới tính khi sinh 112,5 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 69%... Huyện Quan Sơn tiếp tục triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 12-3-2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung nỗ lực, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.

198d6090931t7623l4-5

Đề án được triển khai tại 6/12 xã bao gồm các xã: Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Xuân, Sơn Hà, Trung Tiến và thị trấn Sơn Lư với các hoạt động như: Biên tập, phát thanh, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực trạng, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Theo đó, Trung tâm y tế hướng dẫn chỉ đạo Trạm y tế phối hợp với UBND xã thực hiện biên tập tài liệu truyền thông và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã. Thời gian thực hiện tháng 7, 8, 9. Trung tâm y tế huyện cũng đã ưu tiên lựa chọn một bản trong 6 xã này để tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là nam/nữ trong độ tuổi kết hôn và đã sinh con theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại 6 xã đã duy trì sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ ba. Mục đích nhằm nâng cao vai trò của người phụ nữ về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, phụ nữ sinh con một bề là con gái sẽ được cán bộ dân số giới thiệu các quy định về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính; chia sẻ kinh nghiệm nuôi con ngoan, trò giỏi, phát triển kinh tế gia đình...

Tại huyện Yên Định, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2023. Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của ngành y tế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng này đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội. Năm 2023, huyện Yên Định triển khai thực hiện Đề án tại 12 xã, gồm: Định Hải, Định Tăng, Định Tiến, Yên Hùng, Yên Lạc, Định Hòa, Định Long, Yên Phú, Yên Thái, Yên Trung, Yên Lâm và thị trấn Quán Lào. Trong đó có 12 xã, thị trấn đều thành lập câu lạc bộ về giới và bất bình đẳng giới nhằm lồng ghép các nội dung về giới và giới tính khi sinh trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ.

Có thể thấy rằng, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ ở cơ sở đã đóng vai trò tích cực vào sự thành công của công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Yên Định. Các hoạt động truyền thông, giáo dục về mất cân bằng giới tính khi sinh không thực hiện rập khuôn mà triển khai phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Với mục tiêu giảm mức sinh ở những vùng có mức sinh cao, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thông qua việc thực hiện Đề án góp phần nâng cao chất lượng dân số, khắc phục tình trạng MCBGTKS. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh là 113,5 bé trai/100 bé gái. Năm 2022, dân số trung bình của tỉnh đạt 3.751.500 người; tỷ số giới tính khi sinh đã giảm còn 113 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 62%, tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai là 113.505 người. Năm 2023, Thanh Hóa phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112,8 bé trai/100 bé gái”. Cách triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến cơ sở cũng như những cách làm riêng ở mỗi địa phương đã và đang góp phần đưa công tác DS-KHHGĐ đạt kết quả quan trọng. Từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...