Thanh Hóa từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ Hai, 20/02/2023 09:01 AM (GMT+7)

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những lực cản đối với sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Là một trong những điểm nóng về tình trạng tảo hôn, số lượng cặp kết hôn và tảo hôn ở huyện Mường Lát nay đã giảm và không còn trường hợp hôn nhân cận huyết.

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con ra rất dễ bị tử vong, bệnh tật và không có cơ hội để lao động dẫn tới đói nghèo, cuộc sống khó khăn và nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao. Nhiều trẻ em gái không có cơ hội làm mẹ vì cơ thể yếu ớt, chưa phát triển toàn diện, hạn chế cơ hội học tập.

Như vậy, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả rất nghiêm trọng và tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội, những người làm cha, làm mẹ và đặc biệt là những đứa trẻ được sinh ra. Sự tồn tại khó khăn, vất vả, không có tương lai của những đứa trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn là do chính cha mẹ những đứa trẻ đó tạo nên. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, về kiến thức khoa học nên những người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tạo ra gánh nặng cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

52c6584b9fd0572dwbce_7b-1

Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả rất nghiêm trọng và tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Huyện Mường Lát trước đây là một trong những điểm nóng về tình trạng tảo hôn nhưng đến nay số lượng cặp kết hôn là tảo hôn đã giảm và không còn trường hợp nào kết hôn cân huyết thống. Để đạt được kết quả trên, các cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã tích cực nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện theo nếp sống mới, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Bà Trương Thị Huyền, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, cho biết: Đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 39% dân số toàn huyện. Nhiều năm qua, hệ lụy từ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng người Mông bị ảnh hưởng. Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025", UBND huyện Mường Lát đã ban hành các kế hoạch, quyết định giao cho cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, UBND các xã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng các mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Thông qua những hình thức tuyên truyền nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên. Đặc biệt là các xã, thị trấn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở trong việc bám, nắm địa bàn, đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể, phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn.

Để tiếp tục giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn, bản. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò, tiếng nói của người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông làm công tác tuyên truyền và làm gương trong đời sống, sinh hoạt cũng như trong lao động và học tập.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...