Thành phố Lai Châu tích cực giảm tình trạng tảo hôn, xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống

Thứ Năm, 14/09/2023 03:46 PM (GMT+7)

Thời gian qua, thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, đã có thể giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Bản Cư Nhà La (xã Sùng Phài) hiện có 127 hộ với 3 dân tộc: Mông, Dao, Kinh cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm tỷ lệ cao. Nhiều năm về trước, Cư Nhà La được biết đến là bản nghèo, tỷ lệ tảo hôn cao. Vì vậy, để thay đổi nhận thức của bà con cấp ủy chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phân tích cho bà con hiểu tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số mà còn rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đưa vào hương ước, quy ước của bản. Với cách làm này nhận thức, suy nghĩ của bà con đã thay đổi. Thay vì cho con tảo hôn sớm như trước thì nhiều gia đình cho con đi học, đi làm thuê tại các công ty để có kiến thức, việc làm, thu nhập ổn định. Nhờ vậy, hôn nhân cận huyết thống trong bản không còn, cả bản chỉ có 1 cặp vợ chồng tảo hôn.

OIP

Thực tế, quay ngược thời gian chỉ 5 năm về trước, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều tại 2 xã Nậm Loỏng cũ (nay là xã Sùng Phài mới) và San Thàng, một số bản của phường Quyết Thắng, Đông Phong, Quyết Tiến. Nguyên nhân do nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Mặt khác, người dân tộc Mông quan niệm rằng: lấy vợ, lấy chồng sớm để có người làm trong gia đình.

Để từng bước giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống các cấp, ngành, đoàn thể của thành phố đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Các nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, sáng tạo dưới nhiều hình thức; tập trung vào những hệ lụy, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như: trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Những bà mẹ trẻ mất đi cơ hội học tập, làm việc ở môi trường tốt hơn; kinh tế gia đình bị hạn chế… Cùng với đó, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể thành phố quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho thanh niên. Khuyến khích các bạn trẻ tham gia vào các đội văn nghệ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc; cử đi học đào tạo về du lịch, văn hoá.

Từ đó, không chỉ đẩy lùi được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mà còn xuất hiện nhiều hơn những mô hình, tấm gương, điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Được biết, hiện nay, 7 xã, phường của thành phố lai Châu đều có đội văn nghệ trẻ của thanh niên, mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ. Theo thống kê của thành phố, trong cả giai đoạn từ năm 2016-2021, trên địa bàn chỉ còn 50 cặp tảo hôn.

Có thể thấy rằng, để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn ở thành phố thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo. Đặc biệt, truyền thông phải sát với tình hình thực tế, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng ở từng xã, phường dành cho thế hệ trẻ. 

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...