Thích ứng với già hóa dân số

Thứ Hai, 26/02/2018 12:00 AM (GMT+7)

Già hóa dân số một mặt phản ánh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhưng mặt khác, cũng đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh sự chủ động của người cao tuổi và gia đình thì cộng đồng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để vượt qua thách thức nhằm thích ứng với xã hội có dân số già. Ðây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được nêu ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi (NCT) có cuộc sống tích cực. Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao và sức khỏe của NCT được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thế hệ NCT hiện nay, một thời gian dài trải qua chiến tranh ác liệt và kinh tế nghèo khó, nhiều nơi còn phong tục, tập quán không có lợi cho sức khỏe (hút thuốc lá, uống rượu…) đã làm cho sức khỏe trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất của NCT. Theo điều tra quốc gia năm 2011, có tới hai phần ba NCT tự đánh giá sức khỏe yếu và rất yếu; chỉ có một phần ba NCT cho là sức khỏe bình thường hoặc tốt. Tình trạng này không chỉ làm suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập mà còn làm tăng chi tiêu y tế (chi phí điều trị mỗi năm dành cho NCT thường cao gấp tám đến mười lần người trẻ). Chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với NCT hiện nay.

Do đó, cần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho NCT; hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; xây dựng và phát triển các câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, các mô hình chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn tại cộng đồng và cơ sở tập trung cho NCT; củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở để NCT khám, chữa các bệnh không lây nhiễm và các bệnh thông thường khác; xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước; từng bước xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo điều dưỡng lão khoa phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương.

Năm 2014, cứ 100 người trong độ tuổi lao động, tương ứng có 15 NCT. Quá trình già hóa làm cho NCT tăng lên còn người trong độ tuổi lao động giảm dần. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, tương ứng với 100 người trong độ tuổi lao động có tới 43 NCT. Ðiều này cho thấy, gánh nặng phụ thuộc của người lao động tăng lên và nếu năng suất lao động không tăng nhanh hơn, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong tích lũy và đầu tư, khó bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và tránh được "bẫy thu nhập trung bình". Vì vậy, tăng nhanh năng suất lao động là yêu cầu sống còn cho tăng trưởng kinh tế nước ta.

Hiện nay, khoảng 70% số NCT sống ở nông thôn và cũng chỉ có khoảng một nửa số NCT có lương hưu hoặc hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp người có công (trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc). Mức trợ cấp xã hội nói chung chưa cao. Như vậy, hơn một nửa NCT phải tự tìm kiếm thu nhập hoặc phải dựa vào con, cháu. Trong khi đó, ở nông thôn ruộng đất ít, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm, dự trữ cho tuổi già. Rõ ràng, việc bảo đảm cuộc sống cho NCT là một thách thức lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Ðể bảo đảm an sinh cho người cao tuổi cần đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðó là một trong những biện pháp "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ". Mặt khác, cần nhận thấy rằng, nhiều NCT còn khỏe mạnh, có khả năng và có nhu cầu lao động không chỉ vì để có thêm thu nhập mà còn để cuộc sống tích cực hơn. Tỷ lệ NCT hoạt động kinh tế đã đạt hơn 40%, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực và vẫn còn nhiều NCT mong muốn được làm việc nhưng chưa có việc làm. Vì vậy, tạo điều kiện cho NCT tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế là một đòi hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài, song hành cùng quá trình già hóa. Có thể thông qua chính sách khuyến khích các cơ sở, nhất là cơ sở ngoài nhà nước sử dụng lao động là NCT; nâng cao tuổi về hưu, trước hết là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với NCT; thành lập các trung tâm thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho NCT. Với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, sự nỗ lực của riêng NCT chưa bảo đảm được an sinh xã hội cho họ. Bởi vậy, nâng cao trách nhiệm của gia đình và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng góp phần bảo đảm cuộc sống của NCT ngày một tốt hơn vừa là truyền thống, đạo lý, vừa là đòi hỏi của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Già hóa đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước ta nói riêng. Do số NCT ngày càng nhiều, cho nên nhu cầu của họ ngày càng lớn và phong phú, đa dạng, từ ăn, mặc, ở, đi lại đến chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin, giao tiếp, du lịch, đời sống tâm linh... Ðáp ứng những nhu cầu này, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải phù hợp đặc điểm của NCT. Ðiều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra môi trường xã hội thân thiện với NCT, đồng thời làm cho kinh tế phát triển nhờ tiêu thụ được hàng hóa và cung cấp được dịch vụ.

Sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và thế hệ NCT ở nước ta ngày nay rất lớn. Ðó là các thế hệ sinh ra và lớn lên trong các khung cảnh kinh tế, xã hội hết sức khác nhau: chiến tranh và hòa bình; kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và kinh tế thị trường; nghèo đói và khá giả; đóng cửa và hội nhập; nông thôn và đô thị… Từ đó, nhận thức, thái độ, hành vi của các thế hệ cũng sẽ khác nhau. Nếu không có kiến thức, kỹ năng giải quyết tốt những khác biệt sẽ nảy sinh mâu thuẫn thế hệ, NCT dễ rơi vào tình trạng trắc trở về đời sống tinh thần, buồn chán, cô đơn. Bởi vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn để các thế hệ thấu hiểu lẫn nhau, nhất là khi phần lớn NCT ở Việt Nam sống cùng một mái nhà với con cháu; từ đó có được sự cảm thông, chia sẻ và gắn bó, có thể chung sống và giúp đỡ lẫn nhau.

NCT là một bộ phận dân cư ngày càng đông đảo. Ðây là một lực lượng lao động, một kho tàng kinh nghiệm đồng thời cũng có nhiều vấn đề về đời sống, sức khỏe, tâm lý, xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, mỗi NCT, mỗi gia đình cần chủ động, mỗi cộng đồng cần hỗ trợ và Nhà nước cần xây dựng và thực thi chính sách, chiến lược thích ứng với xu hướng già hóa, phát huy nguồn lực, vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng cuộc sống NCT và phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số năm 2011 khi người cao tuổi (từ 60 trở lên) chiếm 10% tổng số dân. Theo dự báo, đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% và khi đó, nước ta được gọi là có dân số già. Trong khi đó, để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi như trên, ở Mỹ phải mất 69 năm, Ô-xtrây-li-a 73 năm, Thụy Ðiển 85 năm, Pháp mất 115. Ðiều này cho thấy, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển và như vậy có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già.

NGUYỄN VĂN TÂN
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Theo Báo Nhân dân

System

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...