Thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi

Thứ Tư, 19/10/2022 12:33 PM (GMT+7)

Thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ có liên quan đến tuổi tác. Nó còn được gọi là bệnh viêm xương khớp cổ hoặc viêm khớp cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì

Ở người có 7 đốt sống cổ (được ký hiệu C1 - C7). Từ đốt sống C2 trở xuống, giữa hai đốt sống có các đĩa đệm. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn và xung quanh đốt sống có các giây chằng, gân cơ bám vào. Vai trò của đĩa đệm cột sống cổ là để liên kết các đốt sống với nhau. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuyếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới. Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm “giảm xóc” khi có lực tác động vào đốt sống. Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh biểu hiện ra bằng các triệu chứng lâm sàng. Thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ với nhiều nguyên nhân khác nhau và thường xảy ra ở độ tuổi 55 trở lên.

Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi

Nguyên nhân chính của thoái hóa đốt sống cổ ở người cao tuổi là vì xương và sụn bảo vệ cổ bị mòn đi và lý do chúng mòn bao gồm:

-Khô đĩa đệm: Giữa các xương cột sống của chúng ta có các đĩa đệm dày, nó giống như đệm và có tác dụng hấp thụ lực khi có các cú sống do nâng, vặn và các hoạt động khác của cơ thể. Giữa các đĩa đệm và xương lại chứa chất lỏng giống như gel giúp bôi trơn các khớp. Theo thời gian, lượng chất lỏng này ít đi dẫn đến khô và làm cho xương cọ xát với đĩa đệm và cọ xát với nhau khiến bạn đau nhức. Thường sau 30 tuổi chúng ta đã gặp phải tình trạng này. Đó là lý do bạn cần bổ sung glucosamine để các khớp hoạt động được trơn tru.

-Nứt địa đệm: Trong một số trường hợp, đĩa đệm cột sống của người cao tuổi có thể bị nứt, rò rỉ chất lượng bôi trơn và ngoài và chúng đè lên tủy sống, dây thần kinh dẫn đến triệu chứng tê cánh tay và đau lan xuống cánh tay.

-Chấn thương: Nếu bạn bị chấn thương ở cổ (ví dụ như khi bị ngã hoặc tai nạn xe hơi), điều này có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa.

-Dây chằng cứng hơn: Theo thời gian, các dây chằng không còn co giãn tốt mà trở nên cứng hơn, làm ảnh hưởng đến các cử động của cổ và khiến bạn luôn cảm thấy căng tức.

-Nâng vật nặng: Có một số nghề nghiệp hoặc sở thích khiến bạn phải cúi nhiều (xem điện thoại hoặc máy tính xách tay) hoặc nâng vật nặng như nghề xây dựng, bốc vác.

Triệu chứng bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, buốt khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây nên đau đớn, đồng thời các động tác vận động cổ bị vướng, nghe tiếng kêu lục cục khi quay, ngửa, cúi... và đau, thậm chí có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ.

Cơn đau vùng cột sống cổ kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ gây hiện tượng vẹo cổ, sái cổ. Cơn đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán và có thể đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên, nhất là khi vận động. Trong một số ít trường hợp có thể bị mất cảm giác khéo léo của tay (tay cầm vật dụng dễ bị rơi, khó thực hiện các động tác khéo léo), đôi khi cánh tay và bàn tay có thể bị tê, liệt (một bên hoặc cả hai bên). Có trường hợp ban đêm khi ngủ gặp không khí lạnh đột ngột, kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi, sáng sớm lúc ngủ dậy thấy vai gáy tê cứng, khó chịu.

Biến chứng của thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể sẽ gây nhiều biến chứng do chèn ép rễ thần kinh và tủy sống gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống (các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống).

Biến chứng do chèn ép rễ thần kinh: Thông thường, biến chứng sớm nhất là sau giai đoạn đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ, các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán bắt đầu lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và tê, mỏi cánh tay, bàn tay, ngón tay. Một biến chứng khác cũng thường gặp là gây rối loạn tiền đình (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt với biến chứng này làm cho người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn. Lý do của biến chứng rối loạn tiền đình là do thoái hóa đốt sống cổ làm tổn thương lỗ tiếp hợp ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên não gây thiếu máu não. Biến chứng đáng chú ý nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây chèn ép tủy sống có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ).

thoai-hoa-dot-song-co-2

Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ

Để chẩn đoán chính xác thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ cần loại trừ các bệnh khác như đau cơ xơ hóa. Việc chẩn đoán có thể bao gồm:

-Khám tổng quát: bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và kiểm tra phản xạ, cơ, phạm vi hoạt động của cổ, theo dõi cách bạn đi bộ để xác định dây thần kinh và tủy sống của bạn có đang chịu quá nhiều áp lực hay không.

-Chẩn đoán hình ảnh: chụp X quang, CT, MRI để kiểm tra gai xương, xác định các dây thần kinh bị chèn ép.

-Điện cơ đồ để đo hoạt động điện của dây thần kinh.

Nguyên tắc điều trị 

- Khi thấy đau mỏi vai gáy cần được khám bệnh sớm để được chữa trị và tư vấn kịp thời. Nếu ở mức độ nhẹ, người cao tuổi cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu an toàn dựa trên cơ sở khoa học (tránh vật lý trị liệu thô bạo, không đúng kỹ thuật làm cho bệnh thêm nặng) hoăc xoa bóp, châm cứu một cách bài bản. Bên cạnh đó cần dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B. Tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa khớp, thần kinh.

- Tránh ngồi lâu một tư thế, những người lái xe, lái tàu, văn phòng nên có giải lao giữa giờ (khoảng 2 giờ nghỉ giải lao khoảng từ 10 - 15 phút) và tập động tác nhẹ nhàng như cúi xuống, ngẩng đầu lên, xoay cổ nhẹ (khi chưa bị thoái hóa cốt sống cổ). Với người tuổi cao không được vặn, lắc, bẻ cổ khi đã bị thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt là khi đã bị thoát vị đĩa đệm. Khi nằm ngủ, nghỉ, cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải thật thoải mái (không cao, không thấp quá), khi ngủ nên có thay đổi tư thế và thỉnh thoảng chuyển mình để cho máu được lưu thông.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...