Thụy Điển bất ngờ điều chỉnh chiến lược ứng phó COVID-19

Thứ Tư, 13/05/2020 05:33 PM (GMT+7)

Thụy Điển sẽ điều chỉnh phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với COVID-19, sau khi tỉ lệ tử vong tại các viện dưỡng lão vượt khỏi tầm kiểm soát, Bloomberg đưa tin.

Thuy-Dien-Covid-19

Thụy Điển điều chỉnh chiến lược ứng phó COVID-19 khi tỉ lệ tử vong ở người gia tăng vọt. Ảnh: AFP.

Chính phủ của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven có kế hoạch chi khoảng 2,2 tỉ kronor (220 triệu USD) để tăng nhân sự giúp bảo vệ những người cao tuổi của nước này. 

Khoản ngân sách 2 tỉ kronor khác sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương để bù đắp những chi phí phát sinh mà các địa phương chi trả trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, chính phủ Thụy Điển công bố ngày 12.5. 

Giống như những nơi khác, những người chết vì COVID-19 ở Thụy Điển xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các bên chỉ trích cho rằng, những ca tử vong này có thể tránh được nếu chính quyền triển khai nhiều động thái hơn để tập trung quan tâm tới lực lượng dân số dễ bị tổn thương nhất này. 

Hồi đầu tháng 5, Thụy Điển cho biết, các công tố viên đã bắt đầu một cuộc điều tra về tỉ lệ tử vong cao tại một viện dưỡng lão. Một nửa trong số những người trên 70 tuổi chết vì COVID-19 ở Thụy Điển sống tại các viện dưỡng lão, theo số liệu thống kê của nước này tính tới cuối tháng 4. Tính tới ngày 12.5, Thụy Điển có 26.670 ca COVID-19 với 3.256 ca tử vong do đại dịch toàn cầu. 

Cách tiếp cận của Thụy Điển trong ứng phó COVID-19 đã trở thành chủ đề tranh luận quốc tế sau khi nước này chọn phương án không phong tỏa mà dựa vào sự tự nguyện tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội của người dân. 

Các phòng tập thể dục, trường học, nhà hàng và cửa hàng ở Thụy Điển đều mở cửa trong suốt đại dịch COVID-19. Chiến lược này cho tới nay đã bảo vệ nền kinh tế của Thụy Điển khỏi trạng thái tồi tệ nhất nhưng tỉ lệ tử vong của Thụy Điển là khoảng 32/100.000, trong khi ở Mỹ là 24 và ở Đan Mạch láng giềng là khoảng 9. 

Nhà nghiên cứu dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell nói rằng, ứng phó với COVID-19 là việc làm lâu dài, có nghĩa là phong tỏa tạm thời cuối cùng có thể gây tác dụng ngược. Theo ông, một khi dỡ phong tỏa, tỉ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại. 

Thay vào đó, ông Tegnell cho rằng, những hạn chế vừa phải cho phép  cuộc sống bình thường tiếp tục về cơ bản và có nhiều khả năng giúp hướng dẫn xã hội vượt qua đại dịch kéo dài. 

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...