Tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc sức khỏe cho người già

Thứ Hai, 12/10/2020 03:40 PM (GMT+7)

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên chăm sóc làm việc trong viện dưỡng lão.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, khiến phát sinh các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đồng thời thiếu các nhân viên trẻ tuổi chăm sóc. Đây là tình trạng khá “đau đầu” khiến các cấp chính quyền địa phương đều cần phải đồng lòng tìm giải pháp.

Tình trạng thiếu hụt nhân viên chăm sóc nước ta hiện nay

Cả nước hiện có trên 11 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 11,95% dân số và dự báo NCT (từ 75 tuổi trở lên) sẽ đạt 5 triệu người vào năm 2035, thậm chí đến năm 2038 nhóm NCT ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già tương đương Nhật Bản, Hàn Quốc- các nước đang đứng đầu thế giới về số người già. Cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của NCT ngày càng cao, là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống chăm sóc NCT nói riêng.

cham-soc-suc-khoe-nguoi-gia

Báo cáo tổng quan ngành y tế cũng cho thấy, nhiều NCT sống cùng bệnh tật trong một thời gian lâu dài, dẫn đến gia tăng những khó khăn trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Dự báo, số lượng và tỷ lệ NCT cần chăm sóc do bị ảnh hưởng bởi ít nhất một chức năng thể chất hoặc tinh thần sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên tới hơn 10 triệu người vào năm 2049, trong đó tỷ lệ người từ 80 tuổi trở lên ngày càng tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Trọng Độ- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu nhân viên chăm sóc NCT đang tồn tại và có khả năng sẽ cấp thiết hơn trong tương lai; không chỉ với nước ngoài mà ngay cả với trong nước. Thực tế, tại Việt Nam, việc sử dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe chỉ có ở một số BV, viện dưỡng lão, còn việc chăm sóc chủ yếu dựa vào người trong gia đình, người quen hoặc người thuê về chăm sóc, đặc biệt tại các hộ gia đình. Nhiều người không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân, người già.

Do đó, nhân lực chăm sóc viên được chuẩn hóa trong 5 năm, 10 năm hoặc về lâu dài sẽ là nhu cầu cấp thiết. “Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ thì sẽ không kịp. Đây là một nghề mới, mở ra cơ hội rất lớn, tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta rất cần có những mô hình có thể cung ứng nguồn nhân lực này một cách bài bản từ khâu tuyển chọn, đào tạo, kết nối giải quyết việc làm”- ông Độ nhấn mạnh.

Các động thái đã được thực thi

Đứng trước nhu cầu của xã hội, từ cuối năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Tập đoàn JHL Việt Nam xây dựng mô hình tuyển dụng, đào tạo và cung ứng chăm sóc viên cho thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho NCT, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý của NCT.

Cũng theo ông Đào Trọng Độ, nghề chăm sóc sức khỏe đào tạo ngắn hạn, độ tuổi cũng linh hoạt không chỉ dành cho thanh niên trẻ, mà có thể ở ngưỡng tuổi rộng hơn dành cho nhóm lao động nông thôn. Ở một số nước như Nhật Bản, Đức... có một mã ngành riêng cho nhóm đối tượng này, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, có các kỹ năng để phục vụ người bệnh. Còn ở Việt Nam, không chỉ BV. mà còn ở các trung tâm chăm sóc dưỡng lão, chăm sóc trẻ em đang rất cần nghề này.

Từ góc độ đơn vị cung cấp nguồn nhân lực, bà Nguyễn Mai Phương- Giám đốc Chương trình Chăm sóc viên (JHL Việt Nam) cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu chăm sóc viên làm việc trong các BV, viện dưỡng lão tại nước ngoài như Nhật Bản gia tăng nhanh chóng, trở thành một ngành có số lượng thực tập sinh được tiếp nhận hàng năm rất lớn. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến năm 2023, Nhật Bản sẽ cần tới 50.000 hộ lý, điều dưỡng viên và chăm sóc viên. Các hộ lý, chăm sóc viên sẽ làm việc theo các hợp đồng tối thiểu 3 năm với mức thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ khác theo luật lao động Nhật Bản.

Còn tại Việt Nam, gần đây, các cơ sở KCB cũng bắt đầu tìm giải pháp nhằm giảm tải số lượng người nhà của bệnh nhân nằm nội trú. Thông thường, cứ mỗi một bệnh nhân nằm viện dài ngày thì phải có ít nhất 2-3 người nhà thay phiên vào chăm sóc, thậm chí là 2 người chăm một bệnh nhân cùng lúc dẫn đến tình trạng đông đúc, khó kiểm soát về vệ sinh và an ninh tại BV. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay, các cơ sở KCB tốn rất nhiều nhân lực, vật lực để sàng lọc, hướng dẫn và giám sát người nhà bệnh nhân tuân thủ các quy định về giãn cách trong môi trường dễ lây nhiễm này. Do đó, các BV đã từng bước thuê ngoài những tổ, nhóm nhân viên chăm sóc làm việc toàn thời gian, qua đó giúp BV chuyên nghiệp hơn, gọn gàng hơn và hiệu quả trong khâu chăm sóc bệnh nhân nội trú.

cham-soc-suc-khoe-nguoi-gia2

“Nghề nhân viên chăm sóc sức khỏe tiến tới chuẩn hóa đào đạo khi xã hội thừa nhận. Sau mô hình đào tạo chăm sóc viên hệ cơ bản, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và lấy ý kiến từ đơn vị quản lý chuyên ngành, hiệp hội để tiếp tục nhân rộng mô hình. Số lượng đào tạo theo mô hình này đáp ứng công việc ra sao, từ đó để chuẩn hóa và mở rộng ngành nghề đào tạo mô hình xã hội cần trong năm 2021”- ông Độ nhận định.

Hà Thu Thủy

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...