Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ - Sự thật nhói lòng

Thứ Tư, 21/09/2022 01:59 PM (GMT+7)

Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời, đã tự hủy hoại cuộc đời và tước đi mạng sống của con mình.

 Một đứa trẻ ra đời có thể mang đến cho người mẹ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó có thể là niềm vui, sự xúc động, động lực cho đến những lo lắng, căng thẳng. Hầu hết phụ nữ khi lần đầu làm mẹ đều ít nhiều gặp phải hội chứng “baby blues” với đặc trưng là thay đổi tâm trạng, dễ xúc động, cáu gắt, hay lo âu, muộn phiền. Tình trạng này có thể kéo dài từ 2 ngày đến 2 tuần. Tuy nhiên, trong trường hợp sau 2 tuần, tình trạng này vẫn tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng hơn, thì được gọi là trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn cảm xúc, gây ra bởi sự thay đổi đột ngột nồng độ các chất nội tiết trong cơ thể, kèm theo căng thẳng, stress, áp lực dồn nén do chưa quen với việc chăm sóc con cái. 

Những biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Một số thay đổi bình thường sau khi mang thai có thể gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Nhiều bà mẹ cảm thấy choáng ngợp khi có em bé mới về nhà. Nhưng nếu bạn có bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào sau đây trong hơn 2 tuần, rất có thể bạn đã rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh

  1. Cảm thấy bồn chồn hoặc ủ rũ
  2. Cảm thấy buồn, tuyệt vọng hoặc choáng ngợp
  3. Khóc nhiều
  4. Có suy nghĩ làm tổn thương em bé
  5. Có những suy nghĩ về việc làm tổn thương chính mình
  6. Không có bất kỳ hứng thú nào với em bé, không cảm thấy được kết nối với em bé hoặc cảm thấy như thể em bé của bạn là em bé của người khác
  7. Không có năng lượng hoặc động lực
  8. Ăn quá ít hoặc quá nhiều
  9. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  10. Gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc đưa ra quyết định
  11. Gặp vấn đề về trí nhớ
  12. Cảm thấy vô giá trị, tội lỗi hoặc giống như một người mẹ tồi
  13. Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động bạn đã từng yêu thích
  14. Đau đầu, đau nhức hoặc gặp các vấn đề về dạ dày kéo dài

Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ đã không dám nói với ai về các triệu chứng của họ. Những người mẹ mới sinh có thể cảm thấy xấu hổ, hoặc tội lỗi khi mình thường xuyên cảm thấy chán nản trong khi mọi người cho rằng bạn đang rất hạnh phúc vì được làm mẹ. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể bị trầm cảm khi mang thai hoặc sau khi sinh con. Và điều cần thiết là sự chia sẻ tâm trạng của bạn đối với người thân và bác sĩ tư vấn.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ

Sự thay đổi nội tiết tố có thể coi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Khi bạn mang thai, nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone đạt mức cao nhất. Trong 24 giờ đầu sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng giảm trở lại mức bình thường, trước khi mang thai. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đột ngột về nồng độ hormone này có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này tương tự như sự thay đổi hormone trước kỳ kinh nguyệt của phụ nữ nhưng liên quan đến sự thay đổi cực đoan hơn nhiều về mức độ hormone. Mức độ hormone tuyến giáp cũng có thể giảm sau khi sinh. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở cổ giúp điều chỉnh cách cơ thể bạn sử dụng và lưu trữ năng lượng từ thực phẩm. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho biết liệu tình trạng này có gây ra các triệu chứng của bạn hay không. Từ đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc tuyến giáp để hỗ trợ điều trị cho bạn. 

Ngoài ra, những cảm giác khi có em bé cũng là nguyên nhân góp phần gây trầm cảm sau sinh. Nhiều bà mẹ mới nói rằng họ cảm thấy: mệt mỏi sau khi chuyển dạ, mệt mỏi vì thiếu ngủ hoặc ngủ không yên giấc, chưa quen với sự có mặt của em bé, lo lắng về khả năng làm mẹ, căng thẳng từ những thay đổi trong thói quen làm việc và sinh hoạt gia đình, nỗi buồn khi mất đi cuộc sống tự do trước khi sinh hay tự ti về cơ thể sau sinh... Những cảm giác này là phổ biến đối với những phụ nữ làm mẹ lần đầu. 

Đối tượng dễ trầm cảm sau sinh

Bệnh dễ xuất hiện ở những đối tượng như: Người có tiền sử bị trầm cảm. Người trẻ tuổi dưới 18 tuổi, chưa đủ nhận thức, trách nhiệm để làm mẹ, những người từng trải qua những sự kiện gây căng thẳng: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp. Người có mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng, hay có thai ngoài ý muốn., những người đã từng gặp biến chứng thai kỳ (sảy thai, thai chết lưu).

Sự nguy hiểm của trầm cảm sau sinh

Đã có nhiều nghiên cứu về tác động nguy hiểm của trầm cảm lên đời sống phụ nữ sau khi sinh con. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tình trạng này gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình. Đối với phụ nữ, trầm cảm sau sinh thường khó phát hiện, kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, có thể phát triển thành bệnh rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, bệnh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai. Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao. Đối với trẻ em có mẹ mắc bệnh trầm cảm, những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm nhiều nguy cơ không phát triển cảm xúc, hành vi: Chậm phát triển ngôn ngữ, vận động; Hạn chế khả năng giao tiếp;Có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường; Trẻ dễ căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…Đối với gia đình, người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là người chồng, hay bố mẹ, anh chị em ruột chung sống trong một mái nhà, khi có sự căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý, sức khỏe từng thành viên sẽ ảnh hưởng.

tram-cam-o-phu-nu-sau-sinh-300x200

Cách tự kiểm soát trầm cảm sau sinh

Lối sống đóng vai trò quan trọng không chỉ giúp bạn kiểm soát mà còn là cách đối phó hiệu quả với tình trạng stress, trầm cảm sau sinh. Bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:

- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt: bạn hãy ngủ khi bé đang ngủ, tránh sử dụng chất kích thích và các đồ uống có cồn. 

- Bên cạnh nghỉ ngơi, hãy tăng cường luyện tập thể dục, hòa mình với môi trường tự nhiên. Bạn có thể cùng con đi dạo.

- Học cách chia sẻ: hãy nói với chồng, gia đình, bạn bè những cảm xúc hay những chuyện mà bạn đang gặp phải. Tham gia vào hội các bà mẹ để được thấu hiểu và nghe những trải nghiệm từ họ. Phá vỡ sự cô lập để bản thân được hòa nhập, trở lại với cuộc sống.

-Yêu cầu sự giúp đỡ: mở lòng với người thân và nhận sự giúp đỡ từ họ trong việc trông con, làm việc nhà. Bạn sẽ cảm nhận được sự sẻ chia, đồng thời có thêm thời gian rảnh để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.Đặc biệt, hãy luôn lắng nghe cảm xúc của mình, thư giãn và làm những điều mình yêu thích. Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào điều gì đó, hãy chỉ làm những việc mà bạn có thể và hài lòng với mọi thứ xung quanh.

- Dành thời gian để đi chơi, thăm bạn bè hoặc dành thời gian một mình với chồng của bạn.

- Đừng thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong cuộc sống ngay sau khi sinh con. Những thay đổi lớn hơn trong cuộc sống ngoài một em bé mới sinh có thể gây ra căng thẳng không cần thiết. Đôi khi những thay đổi lớn không thể tránh khỏi. 

Các phương pháp điều trị trầm cảm ở phụ nữ sau sinh

Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ cần được điều trị sớm để đạt được kết quả tốt nhất. Tùy từng tình trạng, việc điều trị có thể áp dụng bằng các phương pháp:

1. Tham vấn tâm lý: Nói chuyện riêng với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe, nhà tâm lý học sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng căng thẳng, stress. Các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức để giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của mình. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dùng liệu pháp tương tác để mọi người xung quanh hiểu và hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả. Trường hợp nhẹ chỉ cần tư vấn để điều trị. Trong trường hợp nặng hơn, có thể phải kết hợp trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc hoặc các phương pháp trị liệu khác.

2. Điều trị trầm cảm sau sinh bằng thuốc: Chị em cần thông báo với bác sĩ các triệu chứng mà mình gặp phải. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về bệnh. Các thuốc được kê để điều trị thường là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm. Tác dụng chính của thuốc là ức chế lên não bộ, từ đó điều chỉnh tâm trạng người bệnh. Việc dùng thuốc phải đúng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp thuốc không có tác dụng hoặc gây ra các tác dụng phụ gây khó chịu, chị em cần thông báo đến bác sĩ để được thay đổi hoặc đổi liều dùng.

3. Hỗ trợ điều trị bằng bằng vật lý trị liệu: Liệu pháp vật lý trị liệu cũng góp phần cải thiện tốt tình trạng căng thẳng, stress sau sinh của chị em bên cạnh việc dùng thuốc hay liệu pháp tâm lý. Các phương pháp được ứng dụng trong điều trị tại các bệnh viện, phòng khám hiện nay thường là sử dụng máy móc tác động đến hệ thống thần kinh để ổn định tâm lý, kết hợp các bài tập thư giãn, thoải mái tinh thần. Từ đó, cải thiện tình trạng trầm cảm sau sinh.

Nuôi con nhỏ, đặc biệt là những người nuôi con lần đầu, phụ nữ chịu nhiều áp lực từ việc mâu thuẫn quan điểm chăm con, đến việc con bú ít, con chậm tăng cân, con đẻ ra còi cọc, hay con bị sánh với các em bé khác. Những mâu thuẫn, so sánh vô tình đẩy các bà mẹ để áp lực, nghi hoặc khả năng chăm con của bản thân. Thay vì lo lắng, các bà mẹ cần mạnh mẽ, dần hoàn thiện kỹ năng chăm con, tăng cường đi dạo, ăn uống hợp lý, nói chuyện trao đổi với bác sĩ nếu gặp khó khăn trong việc chăm trẻ con. Chúng ta hãy tự tin có thể kiểm soát căn bệnh tưởng chừng vô hại mà đem đến rất nhiều hậu quả khó lường này.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...