Trí thức trẻ Việt Nam hiến lời giải bài toán dân số vàng

Thứ Năm, 28/11/2019 02:16 PM (GMT+7)

Đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 đã có những chia sẻ với Tiền Phong về những suy nghĩ, đề xuất tận dụng tốt nhất thời kỳ dân số vàng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

dan-so

Sáng 27/11, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019 với chủ đề: “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.

Trao đổi với các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam tại Diễn đàn (ngày 27/11), bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương bày tỏ trăn trở: “Làm sao để Việt Nam có thể tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, tận dụng được tốt nhất thời kì dân số vàng để có nguồn lực chất lượng cao?”

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu: "Tôi mong rằng dù ở đâu, vị trí nào, các bạn cũng luôn có Việt Nam trong trái tim của mình, biết bao thế hệ đã hy sinh để đất nước có được ngày hôm nay, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ luôn xưng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc".

Cải tiến cách dạy và học

 Chia sẻ với trăn trở này, đại biểu Hoàng Anh Đức (Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edulab Asia) nhận định: không chỉ có Việt Nam, các nước phát triển như Nhật Bản cũng đang loay hoay với bài toán dân số. Nếu Nhật Bản đối mặt với già hóa dân số thì Việt Nam có thời kì dân số vàng, đứng trước những cơ hội phát triển kinh tế, cũng như thách thức phát triển nhân lực chất lượng cao.

"Để thời kì dân số vàng thành cơ hội và phát triển nguồn nhân lực cao, Việt Nam cần có những chính sách hoạch định rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, đổi mới giáo dục từ cấp thấp nhất, ở chương trình chính khóa và giáo dục bên ngoài xã hội, gia đình. Áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào tất cả lĩnh vực và phải làm chủ các công nghệ, tuyệt đối không lệ thuộc vào công nghệ", anh Đức nói.

Hoàng Anh Đức với chuyên môn là nhà nghiên cứu giáo dục, những năm qua đã tư vấn cho nhiều tổ chức giáo dục, nhà trường cải tiến, đổi mới các mô hình giảng dạy; tổ chức các diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu để tìm ra những phương pháp giáo dục mới. Năm 2019, anh đã công đã công bố 3 công trình khoa học xoay quanh vấn đề: Công bằng và bình đẳng giáo dục; phát triển quản trị và lãnh đạo giáo dục trường học; tăng cường năng lực chuyên môn giáo viên.

Đại biểu Ngô Khắc Hoàng (Nghiên cứu sinh ĐH Paris saclay, Pháp) bày tỏ: “Câu hỏi đặt ra trong phát biểu của bác Trương Thị Mai chính là sự quan tâm lớn của Đảng và nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

Anh Hoàng cho rằng, cần phải định hướng nghề nghiệp ngay tại bậc trung học phổ thông để các bạn học sinh sớm xác định hướng đi, hiểu rõ những thách thức và cơ hội ở Việt Nam. Đồng thời thay đổi mạnh mẽ ở bậc đại học, sinh viên Việt Nam đang tiếp thu kiến thức một cách thụ động không có sự chuẩn bị. Hiện tượng đạo văn, sao chép các công trình nghiên cứu còn diễn ra phổ biến.

Anh Hoàng hiện hoạt động trong lĩnh vực công nghệ viễn thông. Anh chia sẻ mong muốn về nước hợp tác với các nhóm nghiên cứu, các trường đại học để đưa ra các sản phẩm công nghệ số.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...