Triệu chứng rối loạn thách thức chống đối ở trẻ em

Thứ Bảy, 08/10/2022 02:18 PM (GMT+7)

Rối loạn thách thức chống đối làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ, cơ hội nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống của trẻ; thậm chí, một số trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối sẽ phát triển thành rối loạn cư xử.

Rối loạn thách thức chống đối là một khuôn mẫu lặp đi lặp lại của hành vi nổi loạn, đối nghịch, không vâng lời; trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối thường dễ nóng giận, khó kiểm soát tính khí của mình. Rối loạn thách thức chống đối thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và nó thuộc nhóm rối loạn hành vi.

1. Một số dấu hiệu phổ biến của rối loạn thách thức chống đối

-Dễ nóng giận

-Tranh cãi quyết liệt với người lớn

-Chủ động từ chối thực hiện theo những yêu cầu và luật lệ

-Cố tình chọc giận, làm người khác buồn phiền; hoặc dễ khó chịu với người khác

-Đổ lỗi cho người khác vì những sai lầm của mình

-Thường xuyên bộc phát những cơn giận dữ và phẫn uất

-Có thái độ đầy thù hận và tìm cách trả thù

-Chửi thề hoặc sử dụng những từ ngữ thô tục

-Nói những lời căm hận khi cảm thấy khó chịu

Về tâm trạng, trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối thường ủ rũ, dễ cảm thấy thất vọng, lòng tự trọng thấp. Đôi khi trẻ có thể lạm dụng thuốc và bia rượu.

Thông thường, trẻ bị rối loạn thách thức chống đối sẽ không tham gia vào những hoạt động phạm pháp. Gần đây, người ta phát hiện ra vài triệu chứng của dạng rối loạn hành vi này ở bé gái có thể khác với bé trai. Các bé gái sẽ thể hiện sự gây hấn của mình thông qua lời nói chứ không phải hành động và theo những cách thức gián tiếp khác. Ví dụ, các bé gái có rối loạn thách thức chống đối có khuynh hướng nói dối và không hợp tác trong khi các bé trai sẽ mất bình tĩnh và tranh cãi với người lớn.

con-chống-đối-tam-nghiem-tieng-anh-giao-tiep

2. Những phương pháp điều trị

Việc điều trị rối loạn thách thức chống đối tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, độ nặng của hành vi và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ích cho sự phát triển hành vi, cảm xúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Kế hoạch điều trị rối loạn thách thức chống đối được thiết kế riêng tùy thuộc nhu cầu và triệu chứng hành vi của từng trẻ. Các quyết định điều trị thường dựa trên một số yếu tố như độ tuổi của trẻ, độ nặng của hành vi, trẻ có tình trạng sức khỏe tâm thần nào cần lưu ý hay không. Mục tiêu và hoàn cảnh của bố mẹ trẻ cũng quan trọng đối với kế hoạch điều trị. Chương trình điều trị dạng rối loạn hành vi này có thể kéo dài trong vài tháng hoặc hơn, đòi hỏi sự tham gia của cha mẹ cũng như những người có liên quan đến việc chăm sóc trẻ. Các loại hình trị liệu như sau:

- Chương trình huấn luyện cha mẹ về việc quản lý con cái: Chương trình này nhằm hướng dẫn cho phụ huynh và các thành viên khác trong gia đình cách quản lý hành vi của trẻ. Họ sẽ được học các biện pháp tăng cường và những cách để có thể tiến hành kỷ luật một cách hiệu quả hơn.Huấn luyện kĩ năng nhận thức và kĩ năng giải quyết vấn đề: Phương pháp này làm giảm những hành vi không phù hợp bằng cách dạy trẻ những cách tích cực hơn để phản ứng với các tình huống gây căng thẳng. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn thách thức chống đối thường chỉ biết những cách rất tiêu cực để đáp trả lại những tình huống mà trẻ gặp trong thực tế. Việc hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng giải quyết vấn đề có thể giúp trẻ nhìn nhận vấn đề và phản ứng lại một cách đúng đắn hơn.

-Các khóa dạy kĩ năng xã hội hoặc chương trình học dựa theo giáo án trên trường: Phương pháp này có thể dạy trẻ và các thiếu niên cách làm thế nào để có mối liên hệ tích cực với bạn cùng lứa cũng như những phương pháp giúp cải thiện việc học ở trường. Các liệu pháp này cần được thực hiện ở trong các môi trường tự nhiên như trường học hay nhóm xã hội.

- Thuốc: Thuốc có thể giúp kiểm soát triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối và những triệu chứng của các rối loạn khác kèm theo (rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu…). Tuy nhiên, cần kết hợp thuốc với các phương pháp trị liệu khác để can thiệp hiệu quả rối loạn thách thức chống đối cũng như các rối loạn hành vi khác.

3. Cha mẹ có thể hỗ trợ con như thế nào

- Nhận ra và khen ngợi những hành vi tích cực của con với những câu nói càng cụ thể càng tốt, chẳng hạn “Mẹ thật sự rất hài lòng với việc con giúp mẹ dọn dẹp đồ chơi của con tối nay”. Điều này giúp củng cố những hành vi tích cực ở con và giúp trẻ nâng cao lòng tự trọng.

- Tạo ra một khuôn mẫu hành vi mà bạn muốn con bạn thực hiện.

- Tạo ra những giới hạn và trừng phạt nghiêm khắc một cách hợp lý nếu con vi phạm.

- Tạo ra một thói quen bằng cách xây dựng lịch trình hàng ngày phù hợp cho con, đồng thời gợi ý con bạn tham gia vào việc giúp bạn xây dựng lịch trình đó sao cho tiện lợi.

- Hãy dành thời gian để ở cạnh con, trò chuyện với con, giúp con giải tỏa những căng thẳng mà trẻ có. Điều này cũng giúp hạn chế phần nào rối loạn thách thức chống đối ở trẻ.

- Thảo luận với chồng / vợ của mình cùng các thành viên khác trong gia đình để đảm bảo các quy trình kỷ luật luôn nhất quán và thích hợp. Đồng thời, tranh thủ sự trợ giúp từ giáo viên và những người thường tiếp xúc nhiều với con.

- Phân công công việc nhà cho con: Phân công việc nhà cho con từ những nhiệm vụ tương đối dễ dàng, dễ thành công đến những công việc quan trọng và đầy thử thách hơn, buộc con mình phải nỗ lực thực hiện. Và hãy đảm bảo rằng những hướng dẫn của bạn phải rõ ràng và dễ hiểu.

- Chuẩn bị tinh thần để đối phó với những thử thách. Vì lúc đầu, có thể con bạn sẽ không hợp tác hoặc cứ mong đợi bạn sẽ thay đổi thái độ đối với hành vi của con. Sự nhất quán về thái độ khi đối mặt với những hành vi ngày càng thách thức là chìa khóa giúp bạn thành công vượt qua giai đoạn này. Nhờ đó, những khó khăn ban đầu sẽ được bù lại bằng sự cải thiện về hành vi và các mối quan hệ của con.

Rối loạn thách thức chống đối thực tế có thể gặp ở bất kì trẻ nào, kể cả những đứa trẻ bình thường rất ngoan ngoãn. Khi mắc bệnh này, trẻ dễ bị ảnh hưởng đến tính khí, học tập… Cha mẹ trẻ cũng cảm thấy rất khó khăn trong nuôi dạy trẻ. Vì vậy, khi nghi ngờ con bạn mắc rối loạn thách thức chống đối, bạn hãy đưa trẻ đi khám ngay nhé.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...