Triệu chứng sự thiếu hụt về dưỡng chất, mẹ bầu cần lưu ý

Thứ Sáu, 25/10/2019 03:44 PM (GMT+7)

Mang thai là một hành trình đáng nhớ, bạn sẽ trải nghiệm những thay đổi của cơ thể khi em bé bắt đầu lớn dần. Trong số đó, có những triệu chứng giúp chúng ta nhận thấy sự thiếu hụt về dưỡng chất, mẹ bầu cần lưu ý để có những điều chỉnh kịp thời.

mang-thai

Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ là gì?

Suy dinh dưỡng thai kỳ là hiện tượng cơ thể mẹ bị thiếu hụt dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất khi mang thai. Theo các chuyên gia nếu phụ nữ mang thai bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, thai nhi có thể bị chết lưu hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Rất nhiều nghiên cứu khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt. Ngược lại nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn hoặc ăn uống không cân đối sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thai kỳ

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thai kỳ thường bắt nguồn do chế độ ăn uống nghèo nàn không đủ chất của các mẹ trong thai kỳ hoặc do mẹ gặp sự trở ngại trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa. Nhiều mẹ bầu khi mang thai lo sợ bị tăng cân nhiều, sau sinh sẽ khó giảm cân nên đã ăn uống kiêng khem quá mức, không đủ chất gây thiếu hụt dưỡng chất cho thai nhi.

Các mẹ cần hiểu rằng, khi mang thai lượng thức ăn mà mẹ bầu dung nạp vào cơ thể mỗi ngày không chỉ dùng để nuôi cơ thể người mẹ mà còn được chuyển hóa thành nguồn dinh dưỡng gửi đi để nuôi bào thai trong bụng. Cụ thể, protein, sắt và các chất dinh dưỡng khác nhau sẽ được phân phối cho em bé. Thai nhi có phát triển khỏe mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào lượng protein mà các mẹ ăn mỗi ngày.

Phòng tránh thiếu hụt dinh dưỡng khi mang thai

Để bảo đảm dinh dưỡng cho thai nhi đồng thời giảm nguy cơ béo phì trong thai kỳ các mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu protein, carbohydrate và vitamin.Và đừng quên ăn các loại thực phẩm cung cấp canxi giúp tăng cường sự phát triển xương của thai nhi.

Nếu mẹ sợ béo phì, các mẹ có thể thay đổi cách chế biến món ăn, chọn những món ăn ít dầu mỡ, thay thế bằng các món hấp, luộc và đừng quên luôn luôn bổ sung thêm rau, củ, quả trong bữa ăn hàng ngày.

Dưới đây là những dấu hiệu cơ thể bà bầu đang thiếu dinh dưỡng

Chuột rút ở bắp chân

Thai càng ngày càng lớn khiến trọng lượng cơ thể của mẹ tăng lên, tử cung to lên tạo áp lực lên nửa thân dưới làm máu kém lưu thông, do đó thai phụ dễ bị chuột rút ở bắp chân khi xoay người lúc ngủ hay duỗi chân nhanh. Triệu chứng này xuất hiện cũng là dự báo cơ thể người mẹ có thể đang thiếu hụt các vi chất như vitamin D, canxi, magie hoặc thiếu vận động nên có thể gây ra các cơn chuột rút của cơ.

Mẹ bầu nên tăng cường đi dạo hàng ngày, co duỗi các bắp chân thường xuyên vào ban ngày, hạn chế ngồi hoặc đứng một tư thế quá lâu, tránh những việc có thể gây căng thẳng. Đặc biệt, cần ăn uống đủ chất và quan trọng nhất là bổ sung canxi, magie vì đây là 2 chất quan trọng để cơ thể của mẹ tránh được những cơn chuột rút đau điếng ở bắp chân trong suốt thai kỳ.

Sưng phù khi mang thai

Sưng phù trong thai kỳ có thể là hiện tượng sinh lý bình thường trong thời gian mang thai, đặc biệt là giai đoạn từ giữa đến cuối thai kỳ do thai lớn chèn ép gây phù nhẹ 2 chi dưới. Tuy nhiên, nếu bị phù đột ngột ở tay và mặt thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, rất nguy hiểm.

Cơ thể người mẹ chủ yếu bị sưng phù mắt cá chân, bàn chân, thậm chí đôi khi có thể xung quanh mặt và bàn tay. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ấn vào vùng da bị phù thấy bị lõm hoặc nếu cảm thấy khó khăn khi nắm chặt nắm đấm của mình thì bạn cần giữ ấm chân và kiểm tra xem mình có ăn mặn quá hay không? Đồng thời, bạn cần quan sát kỹ cơ thể để hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng phù để kịp thời phát hiện những bất thường.

Tập thể dục và thực hiện các động tác kéo giãn rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu, hạn chế bị các triệu chứng do phù trong lúc mang thai.

Chứng giảm huyết áp khi đứng thẳng

Chứng giảm huyết áp khi đứng thẳng có thể xảy ra khi máu chuyển đến não ít hơn, có thể gặp do thiếu máu trong thời kỳ mang thai. Quá trình mang thai, thai nhi hấp thu chất sắt trực tiếp từ cơ thể mẹ nên phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt. Tích cực ăn thức ăn giàu sắt và vitamin C, bổ sung viên sắt theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp cho quá trình hấp thụ sắt và tạo máu tốt hơn để hạn chế tối đa triệu chứng này. Đồng thời, mẹ bầu cũng không nên đứng lên một cách đột ngột mà mọi hoạt động cần được thực hiện một cách chậm rãi để cơ thể có thời gian thích ứng.

Táo bón thai kỳ    

Táo bón ở mẹ bầu chưa đến mức gây nguy hiểm tính mạng nhưng nó tác động cực kỳ xấu tới chất lượng cuộc sống của thai phụ. Táo bón thường đi kèm với những biểu hiện buồn nôn, giảm sự thèm ăn, gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và thai nhi. Nếu mẹ bị táo bón thường xuyên có thể gián tiếp khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng của con.

Đây là triệu chứng hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải bởi sự gia tăng homone progesterone làm giảm chức năng của ruột. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như: thai phụ bị mất nước do nôn nghén trong 3 tháng đầu; thai nhi ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép, thu hẹp không gian đường tiêu hóa cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn; ngoài ra mẹ bầu cần phải uống bổ sung viên sắt cũng là một yếu tố góp phần gây táo bón.

Duyen

Cùng chuyên mục

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự Chủ động phòng ngừa và điều trị vô sinh ở nam giới và nữ giới

Được làm cha, làm mẹ là mong mỏi bình dị, thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân...

Phóng sự Mang thai, nạo phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng: Nguyên nhân và những hậu quả đáng tiếc

Do những nguyên nhân khác nhau, quan hệ tình dục sớm và tình trạng nạo, phá thai ở lứa tuổi VTN đang là vấn đề...