Trung Quốc và Nhật Bản làm gì để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số

Thứ Năm, 21/07/2022 03:08 PM (GMT+7)

Nhật Bản từ lâu đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dân số, Trung Quốc đang trên đà giảm dân số nhanh hơn dự kiến. Hai quốc gia này đang làm gì để ngăn chặn tình trạng duy giảm dân số?

Trung Quốc kêu gọi cho phép phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn sinh con

Đúng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, trên mạng xã hội Trung Quốc bỗng xuất hiện đề xuất kêu gọi cho phụ nữ chưa kết hôn sinh con.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Hua Yawei, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước cởi mở hơn đối với những bà mẹ đơn thân và đối xử bình đẳng hơn với những đứa trẻ do phụ nữ đơn thân sinh ra.

Mới đây, chính quyền tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã ban hành chính sách mới nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng ở địa phương này sinh con.

Hồ Nam, Trung Quốc đề nghị thêm 60 ngày nghỉ thai sản

Điểm đáng chú ý trong chính sách mới là ngoài thời gian nghỉ thai sản hiện tại theo quy định của pháp luật Trung Quốc, phụ nữ mới sinh con còn được cộng thêm 60 ngày nghỉ. Người chồng có vợ mới sinh cũng được nghỉ 20 ngày dưỡng sức.

Đặc biệt, các bà mẹ mới sinh có thể được nghỉ có lương tới khi con tròn một tuổi, được phép thỏa thuận với phía sử dụng lao động để sắp xếp công việc hợp lý hơn.

Nhật Bản chi trả bảo hiểm y tế cho điều trị hiếm muộn để khuyến khích sinh đẻ

Nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn đã được hệ thống bảo hiểm y tế của Nhật Bản chi trả từ tháng 4/2022. Đây được xem là một trong những nỗ lực ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số ở nước này. Cụ thể: hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ hoàn trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn nhằm khuyến khích sinh đẻ. Các phương pháp điều trị được đề cập bao gồm thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này vẫn chưa đủ để có thể đảo ngược được tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản, khi các bệnh nhân vẫn phải đối mặt với các chi phí đáng kể khác.

Trước đó, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là hơn 500.000 yên/ca, cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Nhật Bản. Vì thế, nhiều gia đình dù có mong muốn có con song vẫn còn e ngại vì khoản chi phí điều trị rất lớn này.

Trước chính sách hỗ trợ chi phí điều trị hiếm muộn, Nhật Bản cũng đã đưa ra  nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng mất ổn định dân số tại nước này, như mở rộng trợ cấp tài chính cho nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em. Năm 2021, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Luật Nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.

Theo thống kê năm 2019, có đến 7% trẻ sơ sinh ở Nhật Bản được ra đời bằng phương pháp IVF, cao hơn 5% so với Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn dao động quanh mức 1,3; thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết là cần thiết để duy trì mức dân số ổn định.

Phương Liên

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...