Truyền thông trong thực hiện các mục tiêu của chiến lược dân số

Thứ Hai, 31/08/2020 06:13 PM (GMT+7)

Để đạt các mục tiêu của Chiến lược dân số đến năm 2030 về quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số hay những vấn đề mới phát sinh thì công tác tuyên truyền luôn phải đi trước một bước và có trọng tâm trong từng thời điểm.

truyen thong dan so

Cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên.

Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) Nguyễn Doãn Tú, đối tượng truyền thông rất đa dạng, từ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đến những người cần chuyển đổi hành vi (phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ mang thai; vị thành niên và thanh niên; người cao tuổi; người cung cấp dịch vụ y tế...). Đối tượng huy động cộng đồng là các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo; các tổ chức phi chính phủ… Chính vì vậy, việc xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động cũng khác nhau, vừa phù hợp với thực trạng DS-KHHGĐ của từng vùng, miền, địa phương vừa cần lồng ghép phát triển dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2020, Tổng cục DS-KHHGĐ xác định các hoạt động truyền thông trọng tâm là tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Về quy mô dân số, thì các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với thực trạng mức sinh của từng địa phương. Với các tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế thì cần tiếp tục tuyên truyền các nội dung, thông điệp để giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân; lợi ích của KHHGĐ, quy mô gia đình ít con. Còn đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế thì lại cần truyền thông mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh...

Về cơ cấu dân số cần truyền thông mạnh mẽ nhằm từng bước giảm mất cân bằng giới tính khi sinh (phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới). Mặt khác tăng cường các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã bước vào thời già hóa dân số, do vậy việc tuyên truyền thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần được duy trì trong nhiều năm tiếp theo. Trong đó trọng tâm là truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để thấy rõ già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua đồng thời cũng là thách thức trong thời gian tới. Do vậy cần có những chính sách cụ thể về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù đã đạt những thành quả quan trọng, nhưng chất lượng dân số ở nước ta vẫn chưa cao. Do vậy, công tác truyền thông cần tập trung tuyên truyền về việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; hiệu quả của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số... Mặt khác khuyến khích mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe cũng như có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, tùy tình hình thực tế công tác dân số tại các địa phương để có các hoạt động truyền thông tăng cường phù hợp. Theo đó, tại các địa bàn có mức sinh cao (chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía bắc hay các tỉnh khu vực Tây Nguyên) thì đó là tiếp tục duy trì cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt” để nâng cao nhận thức về mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... Tiếp tục tổ chức có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong khi đó, tại các địa bàn có mức sinh thấp (chủ yếu các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ) thì lại ưu tiên tuyên truyền, vận động để nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không đẻ muộn…; mức sinh thấp, kéo dài sẽ có những hệ lụy đến ổn định quy mô dân số, nguồn lao động, già hóa dân số và nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm tại nhiều nước có mức sinh thấp duy trì trong nhiều năm thì đang tìm giải pháp tăng sinh nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đối với các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số thì công tác truyền thông hướng mạnh vào việc tư vấn để nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình và cả cộng đồng. Để thành công trong nhóm đối tượng này cần có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng hay các chức sắc tôn giáo. Đồng thời khuyến khích thành lập các mô hình truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn trọng điểm.

Theo Nhân dân

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...