Tự sát ở tuổi thanh thiếu niên: dấu hiệu cảnh báo

Thứ Tư, 26/10/2022 09:02 PM (GMT+7)

Hành vi tự sát đang xuất hiện ngày một nhiều ở thanh thiếu niên. Nguyên nhân xảy ra có thể là do trẻ bị trầm cảm, hay rối loạn tâm thần. Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao của cha mẹ trong quá trình các con trưởng thành.

Những thanh thiếu niên có nguy cơ tự sát cao

Trên thực tế, bất kì trẻ nào cũng có nguy cơ tự sát, nhưng thống kê cho thấy những thanh thiếu niên có các vấn đề sau đây sẽ có nguy cơ tự sát cao hơn:

Bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác hoặc một rối loạn lạm dụng chất nào đó: Nhiều thanh thiếu niên tự sát do bị trầm cảm

Cảm giác tuyệt vọng và không có giá trị.

Đã từng tự tử trước đó.

Có bệnh thể chất.

Cảm thấy cô đơn và tách rời bạn bè, các bạn đồng trang lứa và gia đình.

Gia đình có tiền sử tự tử, bệnh tâm thần.

Bạo lực gia đình, bao gồm lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục.

Cất giữ vũ khí trong nhà.

Biết một số người đã có hành vi tự tử, như một thành viên gia đình, bạn bè hoặc người nổi tiếng.Trẻ là người đồng tính và phải đối mặt với vấn đề này trong một gia đình, trường học, cộng đồng không thông cảm.

Trẻ bị tống giam trong tù.

Trẻ có tiền sử hành xử bạo lực

Những dấu hiệu, hành vi cảnh báo việc thanh thiếu niên tự sát

Thường thì thanh thiếu niên tự sát sau một sự kiện gây căng thẳng ở gia đình, trường học, hoặc căng thẳng với bạn bè. Điều quan trọng là cha mẹ cần biết các dấu hiệu cảnh báo khi trẻ muốn tự tử để có thể giúp đỡ con. Một thanh thiếu niên đang nghĩ về chuyện tự tử có thể có các hành vi sau:

- Ý tưởng tự sát (suy nghĩ, viết, vẽ hoặc nói về tự sát, về cái chết, sự hấp hối hoặc thế giới bên kia).

- Nghiện rượu hoặc ma túy.

- Thiếu mục đích sống.

- Khó tập trung hoặc suy nghĩ một cách rõ ràng.

- Xa lánh gia đình, bạn bè, trường học và xã hội. Điểm số kém có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang rút lui khỏi trường học.

- Mất hứng thú trong các hoạt động yêu thích.

- Có các hành vi liều lĩnh, nguy hiểm, thiếu suy nghĩ, kỳ dị hoặc bạo lực.

- Thay đổi trong việc ăn uống hoặc ngủ nghỉ (như không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều).Tràn ngập các cảm giác: buồn, giận dữ, lo âu, xấu hổ, tuyệt vọng, cảm thấy tội lỗi.

- Tìm kiếm và cất giữ vũ khí, thuốc hoặc những cách thức khác phục vụ cho việc tự tử.

tram cam

Để ngăn ngừa việc thanh thiếu niên tự sát, trước tiên, cha mẹ cần bình tĩnh để nói chuyện với con, lắng ghe và đồng cảm với những cảm xúc của trẻ, đừng bao giờ xem nhẹ những lời đe dọa tự sát của trẻ hoặc chế giễu con. Nếu cảm thấy sự việc đang diễn biến nghiêm trọng, cha mẹ có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc nhà tâm lý học là điều cần thiết.

Với vai trò là cha mẹ, khi nhận thấy những dấu hiệu tiêu cực của con, và nhận thấy những biểu hiện con muốn tự sát, cha mẹ có thể tham khảo một số việc sau: 

- Nói chuyện với con một cách bình tĩnh và không trách móc con. Để con cảm nhận rằng cha mẹ luôn quan tâm tới con, chia sẻ với con. Mặc dù có thể trẻ biết rằng cha mẹ yêu thương mình, nhưng ở những giai đoạn khó khăn, trẻ muốn nghe nhiều và nhiều hơn nữa những lời yêu thương, quan tâm từ cha mẹ. 

- Cần xác nhận lại cảm xúc của trẻ. Bạn có thể nói những câu thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau khổ của con như: “Dường như mọi chuyện đang thực sự khó khăn với con”, “Bố biết con đang đau đớn như thế nào”, “Mẹ hiểu con đang cảm thấy như thế nào, vì mẹ cũng từng trải qua cảm giác như vậy”. Không nói với con rằng chúng không nên suy nghĩ như vậy, mà hãy đề nghị giúp con “Con đang lo lắng về điều gì thế, con có cần mẹ giúp gì không?”. Nếu bạn thực sự quan tâm con thì cần khuyến khích con đến những nơi có sự hỗ trợ chuyên nghiệp, và cho con biết rằng tìm sự giúp đỡ không phải là yếu đuối. Mặt khác, cha mẹ cũng cần tôn trọng ý kiến của con và có thể cùng con vượt qua giai đoạn này.

- Chia sẻ cảm xúc với con và không để con ở nhà một mình. Hãy để con biết rằng trẻ không đơn độc, và ai cũng có lúc cảm thấy buồn và tuyệt vọng, kể cả cha mẹ. Cha mẹ không cần phải cố gắng làm giảm nỗi đau mà hãy cam đoan với con rằng chuyện buồn rồi cũng sẽ qua, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.

- Nếu nghi ngờ con cái có ý định tự sát thì hãy cất các loại thuốc, rượu cũng như các vật dụng nguy hiểm (dao, búa, súng…) ở những nơi an toàn và khóa lại.

- Tìm hiểu về những nơi con đi, những việc con hay làm. Chẳng hạn như con có thói quen dùng facebook, nếu có điều kiện, bạn cũng nên lập một tài khoản facebook để có thể hiểu hơn về con mình đấy.

- Cha mẹ cần biết về những người bạn mà con chơi thân, bố mẹ của chúng để liên lạc khi cần thiết. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thường xuyên liên hệ với nhà trường để đảm bảo rằng trẻ được an toàn và chăm sóc tốt khi ở trường nhé!

- Tìm kiếm những sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Nếu các hành vi của con bạn đáng lưu tâm, thì hãy liên lạc với bác sĩ nhi khoa hoặc nhà tâm lý học để được giúp đỡ nhé, tốt nhất là những người đã có kinh nghiệm trong việc làm việc với những thanh thiếu niên tự sát.

Để thay đổi con một cách tích cực, trên thực tế thời gian là điều cần thiết và sự kiên nhẫn là chìa khóa. Cha mẹ hãy kiên trì đồng hành cùng con ở tất cả các cung bậc cảm xúc, các sự kiện trong quá trình trưởng thành của con. Đừng để một hậu quả đáng tiếc xảy ra với con cái của chúng ta.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...