Vấn đề tâm lý học đường được tích cực quan tâm tại tỉnh Nam Định

Thứ Sáu, 22/09/2023 04:18 PM (GMT+7)

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, ngày 18-12-2017 của Bộ GD và ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã được đưa vào thực hiện tại các trường học trên toàn quốc. Đối với Nam Định, tỉnh đã đưa ra hành động cụ thể để hỗ trợ tâm lý cho các em học sinh.

Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên, giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Việc thực hiện tư vấn tâm lý này sẽ giúp các học sinh, sinh viên gặp những khó khăn trong quá trình học tập, các mối quan hệ trong trường học cảm thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Một thực tế cho thấy rằng, trong khoảng 10 năm gần đây tại Việt Nam việc thực hiện tư vấn tâm lý học đường đã thu lại được kết quả tốt qua hình thức giải đáp, tham vấn, tư vấn tâm lý của học sinh. 

Bằng việc triển khai Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, ngày 18-12-2017 của Bộ GD và ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định đã kịp thời có những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. 

Không chỉ học sinh phổ thông, trong cuộc sống hiện đại, học sinh tiểu học cũng gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Khi gặp khó khăn, trở ngại, không phải học sinh nào cũng tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc người thân để được hỗ trợ, giúp đỡ. Rất nhiều em đã chọn cách âm thầm chịu đựng và cố gắng vượt qua theo cách riêng của mình. Những áp lực trong cuộc sống cũng như học tập dẫn đến nhiều em có những trở ngại về tâm lý như stress - căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn tinh thần, hội chứng ngược đãi bản thân... Tuy nhiên, các em lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý nhưng ở hầu hết trường học, hoạt động này lại chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều trường học còn bỏ ngỏ hoặc không coi trọng công tác này. Các nhà trường gần như chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, chưa chú trọng kích hoạt hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh để giúp các em có một khởi đầu tốt, có khả năng vượt qua những khó khăn của chính mình trong quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực, phẩm chất.

tu-van-tam-ly-hoc-duong-vai-tro-va-giai-phap-1

Hiện nay, việc tư vấn tâm lý học đường cũng được triển khai ở các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh với các hoạt động: tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Đặc biệt là tư vấn kỹ năng, phương pháp học hiệu quả và định hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, việc tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông là hoạt động mới, chưa có tính chuyên nghiệp trong trường học. Các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh chưa có giáo viên chuyên trách về tư vấn học đường mà việc tư vấn tâm lý do giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội hoặc y tế trường học kiêm nhiệm dưới sự giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Mặc dù các cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều giải pháp tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm; trang bị tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo việc tư vấn, nhưng dù được quan tâm, hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm lớn; nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Mặt khác, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu, phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn tâm lý, giải quyết nhiều vấn đề về công tác xã hội học đường cho học sinh.

Một ví dụ cụ thể cho thấy, Diễm My, học sinh lớp 5 ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định trải qua cú sốc tâm lý khi mẹ em sinh em bé. Từ một đứa trẻ được yêu chiều, bỗng mọi sự quan tâm đều dành vào em trai mới sinh. My cảm thấy trở lên thừa thãi, vô dụng khi làm gì cũng bị gia đình nhắc nhở dù mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như trước đây. Một ngày, trong lúc soạn sách vở, My vô tình làm rơi chiếc đèn học khiến em của My giật mình tỉnh dậy, ngay lập tức em bị mẹ đánh. Những ngày sau đó, My đến lớp trong tâm trạng rất buồn, thỉnh thoảng lại lén lau nước mắt. Sự khác thường của học trò nhanh chóng được cô giáo chủ nhiệm chú ý và tìm cách trò chuyện để em giãi bày tâm sự. Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi cùng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô giáo đã nhanh chóng dẫn dắt, động viên My và trò chuyện với gia đình để cân bằng lại cuộc sống và tâm lý trẻ nhỏ.

Những thành tựu ban đầu đó sẽ là động lực để cho ngành giáo dục tỉnh Nam Định có thêm những động lực trong quá trình tư vấn, phòng ngừa và xử lý vấn đề tâm lý học đường của các em học sinh.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...