Việt Nam nỗ lực đảm bảo 50% phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh

Thứ Năm, 19/10/2023 11:03 AM (GMT+7)

Sàng lọc trước sinh là một thuật ngữ chung bao hàm nhiều phương pháp và xét nghiệm được thực hiện như siêu âm, phân tích mẫu máu hoặc mô, mà bác sĩ có thể tư vấn hoặc mẹ bầu mong muốn được thực hiện trong thời kỳ mang thai.

Dị tật bẩm sinh là những khiếm khuyết của cơ thể trẻ mắc phải khi thụ thai. Tỉ lệ dị tật bẩm sinh và di truyền ngày càng tăng, gặp trong 30% các bệnh nhập viện ở trẻ em, 20% tử vong sơ sinh và 50% tử vong ở trẻ em, > 50% sẩy thai trước 13 tuần do rối loạn nhiễm sắc thể. Dị tật bẩm sinh và di truyền khó điều trị, tốn kém và chất lượng cuộc sống kém. Ngày nay, với nền y học tiên tiến, cha mẹ có thể phát hiện các dị tật ở thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

Đối với trẻ sơ sinh và gia đình: ý nghĩa của sàng lọc trước sinh và sau sinh góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, giúp cho trẻ sinh ra đời phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ. Đối với xã hội: Phương pháp này giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Hiện nay, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2023, trong đó Bộ đề nghị các tỉnh, thành đảm bảo nguồn lực để sàng lọc trước sinh và sơ sinh 9 bệnh, tật bẩm sinh... Thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 7.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Bộ Y tế đã có công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31.12.2020 về việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

viewimage

Đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch, Chương trình thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Sau hơn 2 năm triển khai, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện các giải pháp và mục tiêu còn thấp.

Để bảo đảm triển khai có hiệu quả Quyết định 1999, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các mục tiêu, chi tiêu của Quyết định 1999 đã được phê duyệt.

Đối với 3 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1999 cần chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg của địa phương theo hướng dẫn tại công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31.12.2020 của Bộ Y tế.

Các đơn vị có liên quan chỉ đạo đôn đốc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình đảm bảo đạt các chỉ tiêu, trước mắt đến năm 2025, cần chú trọng đạt được các chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có cơ sở cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%; Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%.

Bộ Y tế đã yêu cầu bảo đảm các đối tượng thuộc diện ưu tiên quy định tại Quyết định 1999/QĐ- TTg được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản, đề nghị UBND tỉnh, thành phố đảm bảo nguồn lực cả về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn để sáng lọc trước sinh 4 bệnh, tật bẩm sinh. Trong đó, bao gồm các bệnh như hội chứng Edward, hội chứng Down, hội chứng Patau, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Ngoài ra, cũng tiến hành sàng lọc sơ sinh 5 bệnh, tật bẩm sinh, gồm bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh và bệnh tim bẩm sinh. Tất cả 9 loại bệnh này đều được thuộc gói dịch vụ cơ bản để tiến hành sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...