WHO cảnh báo: Virus corona chủng mới (COVID-19) “còn lâu mới chấm dứt” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Ba, 31/03/2020 12:46 PM (GMT+7)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31-2 cảnh báo dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) “còn lâu mới chấm dứt” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước cần tranh thủ chuẩn bị cho viễn cảnh lây nhiễm cộng đồng diện rộng.

covid

Một người đàn ông đeo khẩu trang phòng COVID-19 trên xe buýt tại New Delhi, Ấn Độ ngày 31-3 - Ảnh: REUTERS

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, ông Takeshi Kasai, cho biết dù với tất cả các biện pháp chống dịch hiện nay, nguy cơ lây nhiễm tại khu vực vẫn tồn tại khi đại dịch tiếp diễn.

Số ca COVID-19 trên toàn cầu hiện đã vượt quá con số 770.000. Mỹ, Ý và Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc đại lục, trở thành các quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thế giới.

"Để tôi làm rõ. Dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hạn và chúng ta không thể lơ là. Chúng ta cần mọi quốc gia sẵn sàng cho trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn", ông Kasai nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kasai, các quốc gia có nguồn lực giới hạn là một trong những mối lo chính, ví dụ các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Những nước này phải chuyển mẫu xét nghiệm tới các quốc gia khác để chuẩn đoán, và hàng loạt lệnh cấm đi lại xuyên biên giới khiến điều đó trở nên khó khăn.

Ông Kasai cảnh báo các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần không nên chủ quan vì virus có thể quay lại bất cứ lúc nào.

 Trong khi đó, cố vấn kỹ thuật của WHO Matthew Griffith dự đoán không quốc gia nào có thể an toàn và virus corona chủng mới cuối cùng sẽ lan tới mọi ngóc ngách.

"Trong khi dữ liệu của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực này vẫn ổn định, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại những nơi mới và các ca nhập từ nước ngoài vẫn là điều đáng lo ngại", ông Griffith cảnh báo, dẫn chứng các ca nhiễm mới của Singapore hay Hàn Quốc là du khách đến từ nước ngoài.

Ông Griffith khẳng định trung tâm của dịch bệnh hiện nay đang là châu Âu, nhưng có thể sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác.

WHO kêu gọi các nước bảo đảm nguồn vật tư y tế thiết yếu

Tổng Giám đốc Ghebreyesus thừa nhận, đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lên hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống y tế của một số nước đang đứng trước nguy cơ bị quá tải và không thể hoạt động hiệu quả khi các yêu cầu đối với cơ sở y tế và nhân viên y tế ngày càng cao.

Dù thế giới đang ở giữa một cuộc khủng hoảng nhưng các dịch vụ y tế thiết yếu vẫn phải tiếp tục hoạt động. WHO đã công bố tài liệu hướng dẫn các quốc gia cân bằng các yêu cầu đối với công tác ứng phó trực tiếp với Covid-19 trong khi vẫn phải duy trì dịch vụ y tế thiết yếu.

Để giúp các nước giải quyết tình trạng số ca bệnh tăng vọt mà vẫn duy trì được các dịch vụ thiết yếu, WHO đã ban hành bản hướng dẫn thực hành chi tiết về cách thiết lập và quản lý trung tâm điều trị Covid-19. Bản hướng dẫn này gồm ba nội dung chính, gồm: thứ nhất, sàng lọc và phân loại người bệnh tại cơ sở y tế; thiết lập các cơ sở cộng đồng để chăm sóc người bệnh Covid-19 có triệu chứng nhẹ; thiết lập trung tâm điều trị.

Bên cạnh việc cung cấp cơ sở vật chất cho người bệnh, WHO lưu ý các quốc gia cũng cần có đủ nguồn cung thiết bị chẩn đoán, bảo hộ và các nguồn cung y tế khác... Bảo đảm tự do lưu thông các mặt hàng y tế thiết yếu cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ tính mạng người dân và ngăn chặn các tác động về mặt xã hội, kinh tế của đại dịch.

Tổng Giám đốc WHO thông báo, trước đó cùng ngày, ông đã thảo luận với bộ trưởng thương mại của các nước G20 về biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân và các nguồn cung y tế khác. WHO kêu gọi các quốc gia phối hợp các công ty thúc đẩy sản xuất để bảo đảm tự do lưu thông mặt hàng y tế thiết yếu, bảo đảm phân phối mặt hàng này một cách công bằng và dựa trên nhu cầu thực tế. WHO bày tỏ quan tâm đặc biệt tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh.

Ngoài thực thi các biện pháp hạn chế người dân đi lại, WHO cho rằng các chính phủ cần đồng thời thông báo cho người dân về thời gian dự kiến áp dụng các biện pháp này và hỗ trợ người cao tuổi, người già, những nhóm người dễ bị tổn thương trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Chính phủ cần bảo đảm phúc lợi cho những người bị mất nguồn thu nhập và đang rất cần thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khác.

Hai tháng trước, WHO đã công bố Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược, trong đó kêu gọi quyên góp 675 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia chuẩn bị và ứng phó với Covid-19. Đến nay, WHO đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và tổ chức với số tiền hơn 622 triệu USD.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...