Yên Bái: Phấn đấu giảm số cặp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Thứ Hai, 27/04/2020 02:36 PM (GMT+7)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020.

tao-hon

Đối tượng tuyên truyền tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn 3 huyện (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn)

Mục tiêu, trong năm 2020 có 100% đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; được truyền thông về hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép; 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn 3 huyện xây dựng hương ước, quy ước trong đó có quy định và từng bước thực hiện tốt 03 nội dung: Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không xuất nhập cảnh trái phép. Phấn đấu giảm trên 10% số cặp tảo hôn, giảm trên 40% số cặp kết hôn cận huyết thống trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, giảm trên 30% số vụ xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn huyện Văn Chấn so với năm 2019.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền địa phương để lãnh đạo hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép trong các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên nếu để xảy ra vi phạm trong gia đỉnh, dòng họ để làm gương cho nhân dân. Lồng ghép việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép vào các hoạt động, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các tổ chức Hội; phát động thi đua, đăng ký thôn, bản, tổ dân phố văn hoá; cơ quan, đơn vị, đạt chuẩn văn hóa; gia đình văn hóa, dòng họ, cộng đồng không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không xuất nhập cảnh trái phép. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân; phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm, biểu dương, nhân rộng các dòng họ, thôn, bản, tổ dân phố điển hình thực hiện tốt.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản cho người dân; quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và những hệ lụy của việc xuất nhập cảnh trái phép; vai trò trách nhiệm của cha mẹ đối với vấn đề tảo hôn của con, phương pháp giáo dục giới tính cho con cái.... Thực hiện tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm đối tượng, đến tận các thôn, bản, tổ dân phố, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên truyền, vận động, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật về hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép. Biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, về xuất cảnh, nhập cảnh… ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn 3 huyện (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn).

Lồng ghép thực hiện Kế hoạch với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như: Đề án xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số; kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2020... Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ hiểu biết, có ý thức vươn lên thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống để từ đó góp phần loại bỏ những tư tưởng trì trệ, lạc hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Sử dụng có hiệu quả ngân sách của tỉnh gắn với đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa để thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất, nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...