5 lầm tưởng về ung thư cổ tử cung

Chủ Nhật, 03/11/2019 07:11 PM (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung do di truyền, cứ nhiễm HPV sẽ mắc, tiêm vắcxin và xét nghiệm là có thể phòng bệnh 100%... là những hiểu sai thường gặp.

 Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền, Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TP HCM (HOGA) về những lầm tưởng phổ biến của chị em trong buổi livestream "Phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung - lựa chọn nhỏ, thay đổi lớn". 

Gia đình không có người mắc thì sẽ không bị bệnh 

"Gia đình tôi không có ai mắc, làm sao tôi lại mắc căn bệnh này" là một trong những câu hỏi mà bác sĩ Lê Văn Hiền thường xuyên nhận được sau khi báo kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân. Ông cho biết, thực tế, chỉ có 1/4 các loại bệnh ung thư có tính di truyền, ung thư cổ tử cung không nằm trong số đó. 

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh Viện Hùng Vương thông tin thêm, nguyên nhân chính dẫn đến mắc ung thư cổ tử cung là do nhiễm dai dẳng HPV. Trong đó, HPV 16 và 18 là nguyên nhân dẫn đến 70% ung thư cổ tử cung. 

Cứ nhiễm HPV là sẽ mắc ung thư cổ tử cung 

Bác sĩ Lê Văn Hiền thông tin, thực tế, nhiễm HPV không đồng nghĩa với việc bạn bị ung thư cổ tử cung vì có hơn 100 chủng HPV khác nhau, trong đó khoảng 90% trường hợp cơ thể có thể thải nhiễm, chỉ 10% nhiễm dai dẳng và gây ung thư cổ tử cung.  Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HPV rất lớn. Tuy nhiên, ở những người có sức đề kháng cao, khoẻ mạnh, HPV thậm chí có thể tự đào thải sau một năm, mà không gây bệnh cho phụ nữ. 

Mắc ung thư cổ tử cung là mang "bản án tử hình"

Ung thư cổ tử cung phát triển theo nhiều giai đoạn. Tại giai đoạn tiền ung thư, các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp tế bào bề mặt cổ tử cung, chưa ăn sâu, chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này, bác sĩ có nhiều phương pháp chữa trị tại chỗ mà vẫn giữ được chức năng sinh sản của người phụ nữ như đốt Laser, đông lạnh tế bào cổ tử cung với N2O lỏng, cắt đốt tổn thương bằng vòng Leep, khoét chóp cổ tử cung.

Tại giai đoạn một, khi tế bào ung thư chưa xâm lấn mà vẫn  khu trú trong cổ tử cung, tỷ lệ sống sót trong 5 năm là 80-90%. Chỉ khi phát hiện bệnh trễ, bỏ qua giai đoạn vàng của quá trình điều trị, phụ nữ mới phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao. 

ung thu co tu cung

Nếu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, 9/10 phụ nữ sống trên 5 năm.

Tiêm vắcxin và xét nghiệm là có thể phòng bệnh 100%

Vắcxin ngừa HPV có tác dụng phòng ngừa nhiễm HPV nguy cơ cao bao gồm HPV 16, 18 hoặc HPV 6, 11, 16 và 18. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, vắc xin có thể làm giảm 90% các trường hợp tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, ung thư sinh dục khác có liên quan nhiễm HPV như ung thư dương vật, âm hộ, âm đạo... Như vậy, có thể thấy tiêm vắc xin là việc làm cần thiết và hiệu quả, nhưng đây không phải phương pháp "toàn năng".  

Phụ nữ cần làm thêm các kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc để sớm phát hiện nguy cơ nhiễm HPV. Hiện nay, có hai nhóm xét nghiệm thường sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung: xét nghiệm phết tế bào âm đạo, cổ tử cung (PAP), xét nghiệm HPV. Hai xét nghiệm đều kiểm tra khả năng nhiễm bệnh từ tế bào cổ tử cung.

Bạn có thể sử dụng một trong 2 nhóm xét nghiệm hoặc cả 2 nhóm để tầm soát ung thư cổ tử cung. Đối với xét nghiệm tế bào âm đạo và cổ tử cung có nhiều loại khác nhau (cổ điển, nhúng dịch). Với xét nghiệm HPV cũng có nhiều loại nhưng xét nghiệm HPV DNA được FDA Mỹ cho phép sử dụng để làm xét nghiệm đầu tay trong sàng lọc bệnh.

Người trẻ và người già không có khả năng mắc bệnh  

Theo các bác sĩ chuyên khoa, độ tuổi trung bình mắc ung thư cổ tử cung là tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ được khuyến cáo thực hiện các phương pháp xét nghiệm sàng lọc thường xuyên từ sớm để có thể kịp thời, tránh mắc bệnh.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa TP HCM, tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục từ 21-65 tuổi đều nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV DNA đã được Bộ Y tế đưa vào hướng dẫn quốc gia trong tầm soát ung thư cổ tử cung đơn lẻ cho phụ nữ từ 25-65 tuổi.

Thực tế, căn bệnh ngày càng trẻ hoá, nhiều phụ nữ 30 tuổi đã mắc. Chính vì vậy, việc định kỳ khám phụ khoa, thực hiện kiểm tra sàng lọc, tầm soát bệnh ngay từ khi còn trẻ giúp bảo vệ tính mạng, thiên chức làm mẹ. 

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....