Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Thứ Hai, 20/11/2023 04:01 PM (GMT+7)

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/ phụ nữ từ năm 2006 và duy trì cho đến nay.

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/ phụ nữ từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ mức rất cao 3,9% năm 1960 xuống còn 0,95% năm 2021. Thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 đã và đang đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng đang là một trong những thách thức lớn cần giải quyết của công tác dân số. Trên cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế, trong khi đó có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao và 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Mức sinh thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị nơi có điều kiện kinh tế phát triển, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng ít con ngày càng lan rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Nguyên nhân khiến mức sinh thấp được xác định là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái. Khác với suy nghĩ của thế hệ trước, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều cân nhắc, đắn đo hơn trước quyết định kết hôn và sinh con, những cân nhắc này chủ yếu xoay quanh chất lượng cuộc sống của cả bản thân lẫn những đứa con. Việc chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và tài chính cho thấy người trẻ quan tâm tới việc xây dựng một thế hệ con cái được đầu tư đầy đủ cả về y tế, giáo dục, dinh dưỡng và trao cho chúng những cơ hội tốt nhất để phát triển.

Trên thực tế, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam ngày càng tăng. Tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước đã tăng từ 23,8 tuổi (năm 1989) lên 25,7 tuổi (năm 2020) và tiếp tục tăng lên lần lượt là 26,2 và 26,9 tuổi vào năm 2021, 2022. Trong đó, nam giới có xu hướng ngày càng kết hôn muộn. TPHCM có độ tuổi kết hôn rất muộn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TPHCM là 29,8 tuổi. Xu hướng người trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con đặt ra cho các nhà hoạch định về chính sách dân số rất nhiều thách thức cần phải giải quyết. Các số liệu cho thấy Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, thời kỳ cơ cấu dân số vàng bị rút ngắn và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển là chủ trương toàn diện, đồng bộ các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu rõ trong Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đó là “Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan. Trong đó bao gồm nội dung xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản.

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao. Ước tính, mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Đây cũng là nhóm đối tượng khá lớn góp phần tác động vào tỷ lệ sinh ở Việt Nam. Thực tế, đang có nhiều chính sách để tạo kiện thuận lợi hỗ trợ sinh sản như ban hành các nghị định; khuyến khích và tạo điều kiện đào tạo nhân lực; thành lập các cơ sở khám chữa bệnh; chính sách BHXH về thai sản...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia chưa có chính sách BHYT chi trả cho điều trị vô sinh hiếm muộn. Điều này có thể xuất phát từ thực tế là tỷ lệ sinh tại Việt Nam trước đây rất cao và mới có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, vô sinh không được coi là một bệnh mà chỉ được xác định là một tình trạng. Đặc biệt là điều kiện nguồn lực xã hội vẫn còn thấp, chưa đủ chi trả cho tất cả các dịch vụ... Bệnh nhân đi khám hiếm muộn đều phải tự chi trả các chi phí từ xét nghiệm tới phẫu thuật, làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, mặc dù các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phát triển nhanh chóng, đáp ứng về số lượng và chất lượng, chi phí hỗ trợ sinh sản thấp so thế giới, nhưng trong tương quan với thu nhập người dân thì đó lại là con số không hề nhỏ, bảo hiểm lại không chi trả, nên nhiều người không được điều trị kịp thời.

Tại một số quốc gia, kinh phí đóng BHYT cao hơn nên người hiếm muộn được chi trả một phần chi phí điều trị. Tại Pháp, người hiếm muộn được hỗ trợ chi trả 3-4 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm, từ các lần sau người hiếm muộn được chi trả 1 phần hoặc phải tự trả. Tại Nhật Bản, theo thống kê năm 2019, có đến 7% trẻ sơ sinh được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, cao hơn 5% so với Mỹ. Từ tháng 4/2022, hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản bắt đầu chính sách hoàn trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn. Các phương pháp điều trị được đề cập bao gồm thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Đây được xem là một trong những nỗ lực ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số ở nước này. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản hiện dao động quanh mức 1,3 - thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Trước đó, Nhật Bản cũng đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng mất ổn định dân số tại nước này như mở rộng trợ cấp tài chính cho nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em, khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 4 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

Tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được kiểm soát và dự kiến bắt đầu chuyển sang xu hướng giảm trong tương lai. Với sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây, các chính sách quốc gia về dân số nói chung và BHYT cho khám, điều trị hiếm muộn cũng cần thay đổi phù hợp, trong đó có thể xem xét khuyến khích tăng tỷ lệ sinh bằng cách chi trả bảo hiểm, giảm viện phí...

Bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muốn có lẽ là chặng đường dài, không chỉ liên quan đến ngành y mà còn là liên ngành. Vấn đề này cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét trên cơ sở đánh giá ngân sách, tác động của chính sách mới đến quỹ BHYT, năng lực tài chính, xem xét để có các quy định phù hợp mức hỗ trợ như thế nào theo từng nhóm đối tượng...

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề mức sinh thấp, việc sớm có chính sách BHYT chi trả cho người vô sinh, hiếm muộn sẽ là một chính sách hợp lý, phù hợp thực tế và mang ý nghĩa nhân văn, không chỉ đáp ứng nguyện vọng làm cha, làm mẹ của người dân mà còn góp phần giúp duy trì được tổng tỷ suất sinh - một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...