8 loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất

Thứ Hai, 15/06/2020 04:32 PM (GMT+7)

Dị ứng thực phẩm là hiện tượng cực kì phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 5% người trưởng thành và 3% trẻ em (tỉ lệ này hiện đang tăng lên).

di-ung-thuc-pham

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm (dị ứng thức ăn) là tình trạng một hoặc một số loại thực phẩm nhất định gây đáp ứng miễn dịch bất thường. Đó là do hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm một số protein có trong thực phẩm là tác nhân gây hại, từ đó khởi động hàng loạt cơ chế bảo vệ (bao gồm cả giải phóng những hóa chất như histamine) gây viêm.

Với những cơ thể dị ứng thực phẩm, chỉ cần tiếp xúc dù với lượng rất nhỏ loại thực phẩm gây dị ứng là đã đủ để xuất hiện những phản ứng dị ứng. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc từ vài phút tới vài giờ, bao gồm:

Phù mặt, miệng, lưỡi

Khó thở

Huyết áp thấp

Nôn

Tiêu chảy

Nổi mề đay

Mẩn ngứa

Ở những trường hợp nặng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ. Các triệu chứng sẽ xuất hiện và tiến triển rất nhanh, bao gồm mẩn ngứa, phù họng hoặc lưỡi, khó thở và hạ huyết áp. Phản ứng phản vệ có thể đe dọa tính mạng.

Nhiều trường hợp chỉ là bất dung nạp thực phẩm nhưng bị nhầm lẫn thành dị ứng thực phẩm. Bất dung nạp thực phẩm không có sự liên quan tới hệ miễn dịch, do đó dù nó có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống nhưng lại không nguy hiểm tới tính mạng.

Dị ứng thức ăn có thể phân thành hai loại chính: dị ứng IgE và dị ứng không IgE. IgE là một loại kháng thể. Kháng thể là một loại protein trong máu có vai trò miễn dịch là nhận diện và chống lại sự nhiễm khuẩn. Trong dị ứng IgE, kháng thể IgE được hệ miễn dịch giải phóng ra. Trong dị ứng không IgE, kháng thể IgE không xuất hiện, thay vào đó là các thành phần khác.

 Tám loại thực phẩm hay gây dị ứng nhất

1.Sữa bò

Dị ứng sữa bò thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ tiếp xúc với protein sữa bò từ trước khi 6 tháng tuổi.

Dị ứng sữa bò là dị ứng thực phẩm hay gặp nhất ở trẻ em, ảnh hưởng tới 2 - 3% số trẻ nhỏ. Tuy nhiên khoảng 90% số trẻ dị ứng sẽ không còn bị nữa khi trẻ được ba tuổi, khiến hiện tượng dị ứng sữa bò ít phổ biến ở người lớn.

Dị ứng sữa bò có thể xuất hiện ở cả hai dạng là dị ứng IgE và dị ứng không IgE, nhưng loại dị ứng IgE là phổ biến nhất và cũng có nguy cơ tiến triển nặng nhất.

Các trường hợp dị ứng sữa bò IgE thường xuất hiện những dấu hiệu phản ứng đầu tiên từ 5 tới 30 phút sau khi uống, bao gồm: phù, nổi mẩn đỏ, mề đay, nôn, và trong một số trường hợp hiếm gặp là phản ứng phản vệ.

Dị ứng sữa bò không IgE thường biểu hiện các triệu chứng tiêu hóa như nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, cũng như viêm ruột. Dị ứng sữa không IgE rất khó để chẩn đoán, bởi các triệu chứng giống với tình trạng bất dung nạp và không có xét nghiệm máu nào có thể sử dụng để chẩn đoán phân biệt.

Nếu thực sự bị dị ứng sữa bò, cách duy nhất để điều trị là tránh sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò, bao gồm các đồ ăn và thức uống như:

Sữa tươi

Bột sữa

Pho mát

Dầu thực vật

Sữa chua

Kem

Các bà mẹ đang cho con bú có thể cần loại bỏ sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò nếu đứa trẻ bị dị ứng.

2. Trứng

Dị ứng trứng là loại dị ứng thực phẩm phổ biến thứ hai ở trẻ em. Tuy nhiên có tới 68% những đứa trẻ dị ứng với trứng sẽ không còn dị ứng nữa khi chúng 16 tuổi.

Các triệu chứng dị ứng trứng bao gồm:

Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng.

Phản ứng da, chẳng hạn như mẩn đỏ, nổi mề đay.

Các vấn đề về hô hấp.

Phản ứng phản vệ (hiếm gặp).

Có một điểm đặc biệt, là một người có thể dị ứng với lòng trắng trứng nhưng không có vấn đề gì với lòng đỏ trứng, và ngược lại, bởi protein trong lòng trắng và lòng đỏ hơi khác nhau. Tuy nhiên dị ứng với lòng trắng trứng vẫn phổ biến hơn.

Cách điều trị dị ứng trứng vẫn là loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn, nhưng có thể không cần tránh mọi thức ăn liên quan tới trứng, bởi protein trong trứng sau khi trải qua quá trình dùng nhiệt chế biến sẽ bị biến tính, khiến hệ miễn dịch không còn coi là mối đe dọa và không phản ứng lại.

Trên thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ dị ứng trứng sử dụng các đồ nướng (bánh ngọt, bánh quy,... thành phần có chứa trứng) có thể làm tình trạng dị ứng trứng sớm biến mất hoàn toàn. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, và dị ứng thực phẩm có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, do đó cần tham vấn bác sĩ cẩn thận.

3. Các loại hạt của quả có vỏ cứng

Dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng là loại dị ứng thường gặp, chúng bao gồm:

Hạt quả hạch Brazil

Hạt điều

Hạt hạnh nhân

Hạt mắc ca

Hạt dẻ cười

Hạt thông

Hạt óc chó

Những người dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng dị ứng với các sản phẩm chứa chúng (bơ hạt, dầu thực vật,...). Đồng thời, dù có thể chỉ dị ứng với một hoặc hai loại hạt, nhưng người bị dị ứng vẫn được khuyên nên tránh sử dụng tất cả các loại hạt, bởi những người này có nguy cơ phát triển dị ứng đối với những loại hạt khác.

Dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng có thể rất nghiêm trọng, đến mức xảy ra phản ứng phản vệ đe dọa tính mạng. Và loại dị ứng này thường kéo dài suốt cuộc đời.

4. Đậu phộng

Dị ứng với đậu phộng là loại dị ứng rất phổ biến và có thể đe dọa tính mạng. Dị ứng với đậu phộng được xếp loại riêng so với dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng, dù những người dị ứng với đậu phộng cũng thường dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng.

Dị ứng với đậu phộng ảnh hưởng tới khoảng 4 - 8% trẻ em và 1 - 2% người trưởng thành, tuy nhiên khoảng 15 - 22% trẻ em bị dị ứng với đậu phộng sẽ hết dị ứng khi bước vào tuổi thiếu niên.

Những người dị ứng với đậu phộng chỉ có một cách điều trị duy nhất là loại bỏ hoàn toàn đậu phộng và các sản phẩm chứa đậu phộng khỏi chế độ ăn.

5. Động vật có vỏ

Dị ứng với động vật có vỏ là dị ứng với thức ăn từ các loài giáp xác và nhuyễn thể, ví dụ như:

Tôm (shrimp)

Tôm thương phẩm (prawn)

Tôm hùm đất (crayfish)

Cua

Mực

Sò điệp

Triệu chứng của dị ứng với động vật có vỏ thường tiến triển nhanh và tương tự như các dị ứng thực phẩm IgE khác. Điểm đặc biệt của dị ứng với động vật có vỏ là với một số người, chỉ cần ngửi mùi trong quá trình chế biến thức ăn cũng đã đủ để biểu hiện dấu hiệu dị ứng.

Dị ứng với động vật có vỏ thường kéo dài suốt đời, do đó người bị dị ứng cần loại bỏ toàn bộ động vật có vỏ ra khỏi chế độ ăn.

6. Lúa mì

Dị ứng với lúa mì gây ra bởi đáp ứng dị ứng với một hoặc một số protein trong lúa mì. Dị ứng với lúa mì ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ em, mặc dù tình trạng dị ứng thường biến mất khi trẻ 10 tuổi.

Dị ứng với lúa mì có thể bị nhầm lẫn với bệnh celiac và mẫn cảm với gluten không do bệnh celiac, nhưng dị ứng với lúa mì có thể đe dọa tính mạng, còn hai bệnh kia thì không.

Những người bị dị ứng với lúa mì chỉ cần tránh lúa mì (thức ăn, hóa mĩ phẩm chứa lúa mì) nhưng vẫn có thể sử dụng các loại ngũ cốc khác.

7. Đậu nành

Dị ứng với đậu nành ảnh hưởng tới khoảng 0,4% trẻ em và thường gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên 70% trẻ em dị ứng sẽ tự hết khi lớn lên.

Điểm đặc biệt của dị ứng với đậu nành là có một số trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng dị ứng với cả đậu nành.

Vì đậu nành là thành phần phổ biến trong nhiều loại thức ăn nên cần đọc kĩ nhãn sản phẩm, bởi những người dị ứng cần loại bỏ đậu nành khỏi chế độ ăn.

8. Cá

Dị ứng với cá cũng tương đối phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 2% người trưởng thành. Khác với các loại dị ứng khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện sau khi đã trưởng thành.

Dị ứng với cá có thể đe dọa tính mạng. Những người dị ứng với động vật có vỏ chưa chắc đã dị ứng với cá, và ngược lại. Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại cá khác nhau.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....