Ăn uống gì để ngăn tiết mồ hôi ngày nóng?

Thứ Bảy, 04/04/2020 10:14 PM (GMT+7)

Khi các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức, lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều có thể gây khó chịu và tạo mùi cơ thể.Vậy ăn uống đồ gì để hạn chế việc tiết mồ hôi?

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để hạn chế tiết mồ hôi, điều đầu tiên cần uống nhiều nước mát trong ngày hè để hạn chế ra mồ hôi. Nhiều người cho rằng, uống càng nhiều nước thì cơ thể sẽ càng đổ mồ hôi nhiều hơn, nhưng thực tế không phải. Nước giúp cơ thể duy trì nhiệt độ bình thường, đồng thời làm mát khiến bạn không bị nóng và toát mồ hôi, giảm bớt mùi khó chịu của cơ thể. Nên uống khoảng 1,6-2 lít một ngày.

Ngoài ra có thể uống các loại trà như trà xanh, trà sâm có tác dụng tương tự bởi trà có chứa hàm lượng cao của axit tannic -một chất chống ra mồ hôi tự nhiên. Nên uống hai ly trà một ngày.

mohoi

Rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin, khoáng chất, trợ giúp tiêu hóa, giữ cho cơ thể duy trì đủ lượng nước cần thiết, tác dụng làm mát cơ thể, hạn chế đổ mồ hôi. Nên bổ sung các thực phẩm này vào bữa ăn hàng ngày, chế biến rau luộc hoặc hấp sẽ tốt hơn là các món xào, nấu. Các bữa phụ có thể làm salad rau củ, trái cây... tốt cho sức khỏe tổng thể. Một số loại rau và trái cây như: rau cải, xà lách, rau ngót, dưa hấu, cam, quýt, bưởi, táo, bí đao...

Nước, trái cây, rau củ quả giúp cơ thể bớt ra mồ hôi ngày nắng nóng. Ảnh: CarespotHạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, cà phê... Thức uống có cồn đều có xu hướng làm tăng nhiệt độ cơ thể dẫn đến đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngoài ra, chất caffeine trong cà phê sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn.

Bên cạnh đó cũng cần hạn chế thức ăn nhiều mùi như hành, tỏi, thực phẩm cay như ớt. Tỏi chứa hợp chất lưu huỳnh, không chỉ khiến hơi thở có mùi mà ngay cả mồ hôi tiết ra cũng có mùi. Vị hăng, cay của hành tây có tác dụng sưởi ấm và làm tăng lưu thông máu, khiến nhiệt độ cơ thể tăng và gây đổ mồ hôi.

Với ớt, chỉ cần ăn một ít nhỏ cũng cảm nhận được vị nóng bừng từ trong cơ thể, kích hoạt tuyến mồ hôi hoạt động nhanh chóng.

Tuy nhiên, một số trường hợp ra mồ hôi quá nhiều hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis). Đây là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến nội tiết chuyển hóa. Trường hợp này cần đi khám chuyên khoa nội tiết để tìm nguyên nhân và cách giải quyết hợp lý nhất.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....