Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Thứ Sáu, 30/12/2022 10:18 PM (GMT+7)

Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022 có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ tỉnh xung quanh nội dung này.

*Phóng viên: Thưa ông, năm 2022, công tác dân số của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nào?

- Ông Nguyễn Phương Nam: Năm 2022, chất lượng dân số của tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, thể chất, trí tuệ và tinh thần của người dân. Hiện dân số toàn tỉnh là 1.178.695 người. Tuổi thọ trung bình của người dân 76,4 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước là 73,6. Việc phân bố dân số đáp ứng nhu cầu lao động và nguồn lực chất lượng cao.

Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 80,3%/80% (đạt chỉ tiêu kế hoạch giao). Để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, ngành cũng đã thực hiện hoạt động xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 100% trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Hàng năm, các chỉ tiêu về bà mẹ được sàng lọc trước sinh và trẻ em được sàng lọc sơ sinh của tỉnh đều kế hoạch.

Tỉnh cũng đã xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án về giáo dục, sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường, trật tự xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và triển khai thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững; cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ gia đình, cá nhân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số. 

*Bà Rịa-Vũng Tàu được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Hệ lụy của nó và giải pháp để nâng cao mức sinh thay thế trên địa bàn là gì, thưa ông?

- Tổng tỷ suất sinh của tỉnh là 1,78 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, hiện vẫn thấp so với mức sinh thay thế của cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu nguồn lao động, ảnh hưởng đến xã hội... 

Do vậy, tỉnh đã chuyển hướng thay đổi thông điệp truyền thông phù hợp nhằm duy trì mức sinh thay thế. Nội dung tuyên truyền vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; không kết hôn muộn; không sinh con quá sớm hoặc quá muộn; mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt; phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân. Mặt khác, ngành cũng tham mưu tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

images1575675_DSC_0437

*Để nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, theo ông, tỉnh cần tập trung những giải pháp căn cơ nào? 

- Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Chiến lược dân số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Chiến lược đề ra một số mục tiêu: 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh; tuổi thọ bình quân đạt 77,45 tuổi; chiều cao con người đến 18 tuổi đối với nam là 168,5cm trở lên và 157,5cm trở lên đối với nữ; chỉ số phát triển con người duy trì trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của cả nước…

Đặc biệt, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe từ khi sinh ra, lớn lên và ở tuổi già; nâng cao thể lực, thể trạng, tinh thần, tăng tuổi thọ từ 78 tuổi năm 2025 lên 80 tuổi vào năm 2030; nâng cao chất lượng dân số.

Trong thời gian tới, ngành tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh để người dân tham gia. Cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để nam giới và phụ nữ biết và phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, góp phần giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc thai nhi tốt để sinh con khỏe mạnh.

Tỉnh tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Cùng với đó, triển khai thực hiện công tác dân số năm 2023, thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới...

Vũ Thị Phương Dung

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...