Bài toán giữ dân số ổn định của một số quốc gia có nền kinh tế giàu có trên thế giới

Thứ Bảy, 24/12/2022 03:46 AM (GMT+7)

Một số quốc gia với nền kinh tế giàu có muốn giữ dân số ổn định, họ buộc phải xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững hơn nhằm hỗ trợ các gia đình hoặc cởi mở hơn để thu hút người nhập cư, trong bối cảnh xu hướng già hóa đang lan rộng trên toàn cầu.

Theo dữ liệu năm 2020 của Liên Hiệp Quốc (LHQ), thế giới ngày càng già với tỷ lệ dân số trên 40 tuổi chiếm gần 37% trong khi nhóm tuổi dưới 20 chỉ hơn 33%, giảm đáng kể so với 44% vào năm 1950. Dân số già hóa chủ yếu do tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm đáng kể trên toàn cầu. Năm 1950, một phụ nữ trung bình có nhiều hơn 5 con nhưng hiện tại, tỷ lệ sinh bình quân của mỗi phụ nữ chỉ còn 2,5 trẻ.

Để giữ dân số ổn định, một gia đình trung bình cần có 2,1 người con. Tuy nhiên, thống kê của LHQ năm 2020 cho biết có hơn 80 quốc gia trên thế giới không đạt tỷ lệ sinh thay thế, chủ yếu thuộc nhóm nền kinh tế phát triển. Trong số các nước giàu, chỉ có Israel luôn giữ mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, một phần nhờ có nguồn ngân sách công dồi dào trong hỗ trợ người dân đông lạnh trứng và thụ tinh trong ống nghiệm.

dan_so_gia_va_bai_toan_phat_trien_10343820122022

Trước nguy cơ khủng hoảng dân số báo động, chính phủ nhiều quốc gia đã đề ra loạt biện pháp khuyến khích người dân sinh con như miễn thuế, gia hạn các khoản vay hoặc cung cấp các gói hỗ trợ trị giá hàng ngàn USD. Nhưng cũng có những nước ít quan tâm, làm giảm hy vọng có con của người dân vì lo ngại chi phí nuôi dạy trẻ quá cao. Đơn cử ở Anh, nước có chi phí chăm sóc trẻ em cao thứ hai trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phúc lợi dành cho trẻ em bị giảm từ con thứ ba. Bên cạnh đó, luật quy hoạch chặt chẽ cũng khiến quyền sở hữu nhà trở thành giấc mơ xa vời đối với nhiều gia đình.

Cần giải pháp thay thế

Nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh là một chuyện, nhưng có hiệu quả hay không còn cần sự phối hợp từ người dân. Tại Pháp, một trong những nước áp dụng sớm nhất các chính sách khuyến khích người dân kết hôn và sinh con, tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức thay thế từ năm 2010. Còn ở Trung Quốc, nước đã cho phép sinh 2 con nhưng người dân không dám có con vì áp lực kinh tế gia tăng. Là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số và có tỷ lệ sinh rất thấp, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá các dịch vụ sinh nở, chăm sóc trẻ em, tăng chất lượng các dịch vụ trông giữ trẻ, khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh, bà bầu, chăm sóc sau sinh. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn không muốn có con, thậm chí ngại kết hôn do kinh tế trì trệ kéo dài.

merlin-185762886-51419772-0d62-6182-2232-1620880499

Đối với những nước giàu nhưng ít quan tâm thúc đẩy tỷ lệ sinh như Anh hoặc chưa có giải pháp hiệu quả như Pháp và Nhật, các nhà chuyên môn cho rằng họ có thể suy nghĩ giải pháp khác: xây dựng và quảng bá chính sách nhập cư ổn định để thu hút di dân. Trước tiên, xu hướng này làm lợi cho quê hương của người nhập cư. Nó được nhìn thấy qua sự tiến bộ kinh tế và xã hội của Bangladesh nhờ lượng lớn kiều hối mà người lao động gửi về. Còn với những nước phát triển, đây là sự thay đổi đáng kể khi các nhóm bảo thủ bị buộc phải chấp nhận việc nới lỏng chính sách kiểm soát biên giới, trong bối cảnh thiếu hụt lao động trở thành một vấn đề lớn.

Từ năm ngoái, Nhật Bản đã cân nhắc dỡ bỏ giới hạn thị thực 5 năm và cho phép lao động trong 14 lĩnh vực được mang theo gia đình sang Nhật. Tuy không lo dân số già như nhiều quốc gia khác, Israel cũng gấp rút mở rộng các thỏa thuận song phương để tiếp nhận điều dưỡng nhập cư. Canada thì có kế hoạch cấp thẻ xanh cho khoảng 1,2 triệu người nhập cư mới vào năm 2023. Còn tại Úc, chính phủ dự định tăng gần gấp đôi hạn ngạch lao động nhập cư trong năm nay. Nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, Phần Lan và Hy Lạp đã cấp thị thực làm việc cho người nước ngoài đến bằng thị thực sinh viên hoặc thị thực khác. Riêng ở Anh, sinh viên tốt nghiệp các đại học hàng đầu trên thế giới được ưu tiên nộp thị thực vào Anh mà không cần thư mời làm việc. Đây là chính sách thị thực mới dành cho những cá nhân tài năng vừa được chính phủ công bố và có hiệu lực từ ngày 30-5, thể hiện Anh sẽ phát triển như một trung tâm quốc tế hàng đầu về đổi mới, sáng tạo và kinh doanh.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...