Bạn hiểu thế nào về thuốc tránh thai khẩn cấp?

Thứ Tư, 03/04/2019 07:28 AM (GMT+7)

Thuốc tránh thai khẩn cấp nếu dùng với tần suất quá dày sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Vậy sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như thế nào để có hiệu quả?

thuoc-tranh-thai-khan-cap

Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường hợp nào?

Thuốc tránh thai khẩn cấp là một biện pháp tránh thai cho phụ nữ sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp:

Khi hai người nam nữ mới có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc có sử dụng bao cao su nhưng bao cao su bị thủng hay bị rách.

Khi người phụ nữ đang sử dụng thuốc uống ngừa thai mà quên uống từ 2 ngày trở lên.

Đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai mà thời gian tiêm bị chậm so với kỳ quy định.

Khi đối tượng nữ bị cưỡng bức quan hệ tình dục.

Thuốc tránh thai khẩn cấp có phải là phương pháp tốt nhất để tránh thai không?

TTTKC chỉ là phương pháp bất đắc dĩ cho bạn nếu như trót quan hệ tình dục mà không dùng các biện pháp ngừa thai. TTTKC nếu lạm dụng nhiều sẽ nguy hiểm cho buồng trứng của người phụ nữ. Các phương pháp tránh thai hữu hiệu nên dùng là bao cao su và thuốc tránh thai hàng ngày. Tuyệt đối không nên lạm dụng TTTKC.

Một tháng nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp mấy lần?

Trong một tháng không nên dùng quá 2 lần TTTKC vì càng dùng nhiều thì hiệu quả càng giảm, 50% số phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bị buồn nôn và nôn, làm hiệu quả của thuốc giảm.

Nếu dùng quá 2 lần trong một tháng, bạn có thể bị rối loạn kinh nguyệt dẫn đến các hiện tượng như: ra dịch màu đen, kinh nguyệt không đều, trễ kinh, rong kinh...

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?

TTTKC giúp bạn tránh thai sau khi quan hệ tình dục, nhưng nó cũng mang lại những tác dụng phụ như làm rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, căng ngực…

Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp thế nào để đạt hiệu quả?

Viên thuốc tránh thai khẩn cấp được uống càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi có quan hệ tình dục không được bảo vệ. Đến ngày thứ 5 sau khi có quan hệ tình dục vẫn có thể sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng theo nguyên tắc nếu uống càng sớm thì hiệu lực tác dụng của thuốc sẽ càng cao. Thông thường uống thuốc trong 24 giờ đầu hiệu quả tránh thai lên tới 95%, nếu uống thuốc sau 24-48 giờ hiệu quả 85% và sau 49-72 giờ hiệu quả chỉ còn 58%.

Rất nhiều phụ nữ bị nôn sau khi dùng thuốc. Nếu sau khi uống thuốc mà bị nôn, cần phải uống bù liều khác, nhưng sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ mới bị nôn thì không cần uống bù nữa.

Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Chảy máu âm đạo thất thường khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể che lấp những triệu chứng của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung, do đó cần phải định kỳ (6-12 tháng) khám phụ khoa để loại trừ ung thư.

Chửa ngoài tử cung xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Nguy cơ này có thể tăng khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp dài ngày và thường ở những người tăng cân.

Thuốc tránh thai khẩn cấp làm tăng nguy cơ bị bệnh huyết khối tắc mạch gấp khoảng 4 lần so với người không dùng thuốc. Khi người dùng thuốc bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối tắc mạch, phải ngừng thuốc ngay. Với những phụ nữ phải ở trạng thái bất động kéo dài do phẫu thuật hoặc do các bệnh khác cũng phải ngừng thuốc. Nếu mất thị giác một phần hoặc hoàn toàn, dần dần hoặc đột ngột, hoặc xuất hiện lồi mắt, nhìn đôi, phù gai thị, nhức đầu dữ dội phải ngừng thuốc ngay tức khắc.

Khi muốn có con, nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp bao lâu? Thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào kết luận việc sử dụng TTTKC có ảnh hưởng đến thai nhi hay không, tuy nhiên, nếu như bạn sử dụng nhiều TTTKC thì bạn sẽ bị rối loạn kinh nguyệt như đã nói ở trên, và từ đó, làm giảm khả năng thụ thai.

Khi muốn có con, bạn nên khám sức khỏe tổng quát và tiêm ngừa phòng các bệnh viêm gan B, sởi-quai bị-rubella, thủy đậu… Đặc biệt, cần điều trị các bệnh lý viêm nhiễm sinh dục hoặc các bệnh lý khác đi kèm.

Trong quá trình mang thai, nên khám thai thường xuyên theo lịch, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Các xét nghiệm cần làm khi có thai là: đo độ mờ da gáy vào tuần lễ 11-13 và xét nghiệm máu. Nếu có bất thường bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn chọc ối qua siêu âm.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....