Béo phì ở tuổi vị thành niên: Cần lưu ý những điều gì?

Chủ Nhật, 25/12/2022 01:38 PM (GMT+7)

Béo phì ở tuổi vị thành niên đang ở mức báo động tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao khiến cho tình trạng béo phì ngày càng được gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.

1. Nguyên nhân gây béo phì ở tuổi vị thành niên

- Giảm tốc độ chuyển hóa năng lượng khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên: Khi trẻ đến tuổi dậy thì, tức tuổi thanh thiếu niên, mức độ hoạt động thể chất giảm hơn so với khi trẻ ở tuổi thiếu nhi. Sự khác biệt này do trẻ bắt đầu dành thời gian cho việc học cũng như ý thức của trẻ dần chuyển sang quá trình tư duy nội tâm chiếm ưu thế. Đúng vậy, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cũng cho thấy rằng trẻ có khuynh hướng sử dụng ít năng lượng hơn, hiệu số trung bình là 450 calo mỗi ngày, tăng thời gian nghỉ ngơi đáng kể hơn hẳn so với cùng thời điểm khi trẻ 10 tuổi. Điều này có thể gây mâu thuẫn với suy nghĩ thông thường là trẻ vào tuổi dậy thì sẽ cần nhiều năng lượng hơn để phát triển, tăng nhanh kích thước cơ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, một phần lớn năng lượng dư thừa do giảm vận động khi trẻ dậy thì lại chuyển hóa thành chất béo và khiến trẻ trở nên dễ béo phì hơn.

- Tăng lượng calo tiêu thụ hằng ngày: Do “làn sóng” của nồng độ cao các hormone kích thích tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì, trẻ có khuynh hướng tiêu thụ khá nhiều thức ăn so với nhu cầu thực sự của cơ thể cần. Trẻ ăn ngon miệng hơn, đặc biệt là các thực phẩm giàu năng lượng như tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước ngọt. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng của cha mẹ, cũng như các cách chế biến, hình thức của thức ăn ngày càng phong phú, đa dạng đã tác động làm tăng khẩu vị cho trẻ và khiến trẻ ăn nhiều hơn. Do đó, nếu quá trình tiêu thụ calo trong giai đoạn đầu dậy thì vẫn giữ nguyên thì trẻ vẫn có khuynh hướng sẽ tăng cân một cách nhanh chóng. Trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng như bánh kẹo sẽ dễ béo phì tuổi dậy thì.

- Tác động của lối sống: Tỷ lệ trẻ béo phì tuổi dậy thì bắt đầu tăng nhanh trong thời đại công nghiệp hiện nay, đặc biệt ở các nước phát triển và đang phát triển. Sự khác biệt này rất lớn so với thế hệ trước đây, khi các loại thức ăn nhanh chưa hình thành. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em trong xã hội hiện đại là trẻ đã được tự do sử dụng tiền tiêu vặt hàng ngày khá sớm, tự chi tiêu vào việc mua thức ăn vặt khi trẻ ở trường vào giờ ra chơi hoặc giờ ra về.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật với các thiết bị công nghệ, mạng internet và các trò chơi điện tử càng khiến trẻ có khuynh hướng giảm hoạt động thể chất, tăng thời gian nghỉ thụ động.

- Di truyền: Khoa học đã chứng minh, nếu bố mẹ không mắc bệnh béo phì thì nguy cơ mắc tình trạng này ở con chỉ chiếm tới 7% thôi. Ngược lại, nếu cả hai bố mẹ hoặc một trong hai bị béo phì thì nguy cơ con mắc phải sẽ lên tới 40%.

2. Hệ lụy của béo phì ở tuổi vị thành niên

Một nghiên cứu của nhà khoa học người Thụy Điển cho thấy: Trẻ ở tuổi vị thành niên đang phải đối mặt với nguy cơ lớn đột quỵ bất kì lúc nào. Bởi kết quả cho thấy, béo phì là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tăng huyết áp – một trong những yếu gây đột quỵ ít người biết tới. Và nguy cơ này cao hơn 80% so với những người bình thường. 

Chính vì thế, bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây nên tình trạng này để từ đó giảm cân hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nguy cơ đột quỵ. Béo phì ở tuổi vị thành niên không kịp thời khắc phục các tình trạng trên sẽ dẫn tới nguy cơ đột quỵ cao. Bởi cơ thể béo phì khiến tăng huyết áp, nếu huyết áp tăng cao sẽ làm nguy cơ đột quỵ bất kì lúc nào. 

3. Các bài tập giảm cân an toàn không dùng thuốc dành cho tuổi vị thành niên

Một cách cơ bản để kiểm soát lượng calo là di chuyển, vận động thể lực nhiều hơn. Trẻ nên được khuyến khích làm điều này bằng các bài tập có cấu trúc ít nhất một giờ và cả các hoạt động chung trong cả ngày của mình. Những hoạt động này có thể bao gồm:

- Đi xe đạp

- Trượt ván

- Bơi lội

- Khiêu vũ, nhảy múa

- Đi bộ hoặc chạy bộ

- Các môn thể thao phối hợp

Theo đó, cơ thể trẻ sẽ có thể đốt cháy nhiều calo hơn bất cứ lúc nào trẻ rời khỏi màn hình TV hoặc máy tính và vận động cơ thể để giúp giảm cân. Điều quan trọng là trẻ cần chọn được những việc thực sự thích làm và duy trì đều đặn trong thời gian dài, trở thành một thói quen thường xuyên. Cố gắng dành thời gian mỗi ngày để tập thể dục và tạo nó thành một phần tự nhiên trong cuộc sống.

giam-can-tuoi-vi-thanh-nien

4. Chế độ ăn uống lành mạnh cho thanh thiếu niên 

Ngoài việc vận động tích cực hơn, cha mẹ cần quan tâm đến những gì trẻ ăn, bởi đây cũng là một thành phần quan trọng trong việc hỗ trợ giảm cân an toàn. Đồng thời, cha mẹ cũng nên dành thời gian phân tích cho trẻ hiểu một thực đơn với cách ăn kiêng giảm cân an toàn như thế nào để bản thân trẻ được chủ động cải thiện thói quen ăn uống của mình. Ngoài ra, các cách khác để cắt giảm lượng calo không cần thiết bao gồm:

- Xem lại các lựa chọn đồ uống: Quá nhiều nước sô-đa, nước trái cây và đồ uống thể thao thực sự có thể gây nghiện. Thay thế chúng bằng nước lọc và cắt giảm lượng calo rỗng và đường thêm vào.Tăng cường trái cây và rau củ: Hầu hết các loại trái cây và rau quả đều có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng trong khi chúng cũng ít calo. Điều đó có nghĩa là dạ dày sẽ no nhanh hơn mà lại ăn ít hơn. Hãy thử ăn trái cây như đồ ăn nhẹ hoặc trước bữa ăn để cắt giảm calo mà không cảm thấy đói.

- Tránh xa thức ăn nhanh: Không có gì sai khi thỉnh thoảng ăn bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, nhưng hãy tránh ăn những loại thực phẩm đó hàng ngày.

- Tránh ăn vặt thường xuyên: Nếu trẻ cảm thấy đói vào buổi chiều, cha mẹ hãy dự trữ sẵn đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, ngũ cốc, sữa chua... và tránh kẹo, bánh quy, đồ ngọt vốn chứa rất nhiều calo. Ngoài ra, hãy chú ý đến các lý do khác khiến trẻ có thể thèm ăn, như buồn chán, mệt mỏi hoặc cảm thấy căng thẳng. Ăn uống theo cảm xúc có thể khiến cân nặng cơ thể trở nên tồi tệ hơn và càng làm quá trình giảm cân trở nên khó khăn.

5. Các phương pháp giảm cân không lành mạnh 

Một trong những sai lầm lớn nhất mà trẻ dậy thì và nhiều khi cả người lớn mắc phải là cố gắng tìm đường tắt hoặc cách để giảm cân nhanh. Những phương pháp giảm cân không lành mạnh này có thể nhanh chóng phản tác dụng và thậm chí có thể gây nguy hiểm.

- Bỏ bữa ăn: Trẻ vì mặc cảm ngoại hình đều có cảm giác muốn bỏ bữa, đặc biệt nếu đã ăn quá nhiều vào cữ trước đó. Tuy nhiên, việc bỏ bữa có thể phản tác dụng. Nguyên nhân là vì trẻ có thể ăn nhiều calo hơn vào bữa ăn tiếp theo và vì quá đói, trẻ sẽ có nhiều khả năng ăn đồ ăn vặt hơn.

- Chế độ ăn kiêng không phù hợp: Các chế độ ăn kiêng ít calo một cách khắc nghiệt có thể rất hấp dẫn, làm giảm cân nhanh chóng nhưng những kiểu ăn kiêng này thường không lành mạnh và có thể phá hoại nỗ lực giảm cân ban đầu. Khi không tiêu thụ đủ calo, cơ thể thực sự giữ lại chất béo để cung cấp năng lượng cho chính nó, điều này sẽ càng làm tăng chuyển hóa chất béo. Thêm vào đó, phần lớn trọng lượng giảm ban đầu là nước mà không phải chất béo.

- Thuốc giảm cân: Thuốc giảm cân nhằm mục đích là để giảm cân nhanh chóng nhưng hầu hết người tìm đến đều có hành vi sử dụng thiếu kiểm soát. Trong khi đó, những sản phẩm này vốn dĩ không phù hợp với trẻ dậy thì, khi cơ thể đang nằm trong giai đoạn cần nhận được tất cả các chất dinh dưỡng để phát triển một cách khỏe mạnh, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

- Tập thể dục quá mức: Tập thể dục có thể là một cách lành mạnh để kiểm soát cân nặng nhưng quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về cả thể chất và tinh thần. Một số trẻ tự gây áp lực về tập luyện một cách ám ảnh đến mức được coi là một dạng rối loạn hành vi.

Béo phì tuổi vị thành niên là một vấn đề khá thường gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị trước về kiến thức và kỹ năng cơ bản, cha mẹ chính là những người bạn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ trải qua cột mốc phát triển quan trọng. Hơn nữa, các phương pháp giảm cân an toàn không dùng thuốc luôn được khuyến khích bằng chế độ rèn luyện và dinh dưỡng sẽ là nền tảng cùng trẻ phát triển trong tương lai.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....