Bí thư TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Cần có hướng dẫn cụ thể mức sinh với các địa phương

Thứ Sáu, 31/05/2019 04:25 PM (GMT+7)

Theo Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể mức sinh phù hợp cho các địa phương để đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững.

bi-thu-nguyen-thien-nhan

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Ngọc Thắng

Tại Nghị trường Quốc hội, trước các đại biểu, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề cập tới một vấn đề để đất nước phát triển bền vững trong tương lai mà ngay bây giờ phải làm và thấy cần được quan tâm hơn. Theo ông Nhân, Quốc gia phát triển bền vững có thể nêu 5 yếu tố, bền vững về chính trị, bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường và cuối cùng là bền vững về lao động và dân số.

“Chúng ta được biết là nếu 2 người trưởng thành sinh được 2 người con thì khi 2 người này về hưu hoặc mất đi, xã hội có 2 lao động thay thế đấy là chính là công thức đơn giản, xã hội bền vững lao động là khi 2 lao động mất đi có người thay thế. Tỷ suất sinh đó nó hướng đến mức tỷ suất sinh thay thế.

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy là khi trẻ đến 20 tuổi thì có 1 trẻ bị mất do bị đau yếu trong quá trình, do vậy chỉ còn 19 trẻ. Do đó, nếu 10 cặp vợ chồng sinh đúng 20 thì khi lớn lên chỉ còn đúng 19, không đủ, nên họ khuyến cáo tỷ suất sinh là 10 người phải sinh được 21 cháu hay là tỷ suất sinh là 2,1 cháu trên 1 phụ nữ, tỷ suất này là tỷ suất sinh thay thế cho xã hội bền vững. Điều này nói thì dễ nhưng làm không dễ. Do nhiều quốc gia không thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế”, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Để chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì mức sinh thay thế, Bí thư TP. Hồ Chí Minh lấy ví dụ về đất nước Nhật Bản và một số nước: “Nhật Bản sau nhiều chục năm nỗ lực thì bây giờ mức sinh là 1,4 cháu trên 1 phụ nữ chứ không 2,1. Theo dự báo trong vòng 50 năm tới thì dân số Nhật Bản giảm đi 40 triệu người, thiếu trầm trọng lao động, dư thừa năng lực về giao thông, trường học, bệnh viện, những quỹ an sinh xã hội, và bảo hiểm nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

"Nguyên nhân của tình trạng này là văn hóa lao động là trên hết nên vấn đề gia đình, sinh con là phụ nên nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, một nửa thế kỷ làm việc liên tục nhiều giờ trong ngày, vấn đề gia đình, sinh con để sang một bên thì bây giờ giải quyết hết sức khó khăn.

Thứ hai, điều kiện xã hội người có con, y tế, học hành, nhà cửa không phù hợp nên người ta không muốn có con.

Thứ ba, khi có con dễ mất việc làm nên không sinh con. Đây là xu hướng của nhiều nước như Singapore và nhiều nước gặp khó khăn”, ông Nhân lý giải.

Trở lại tình hình thực tế của đất nước, ông Nhân cho hay: “Chúng ta giảm mức sinh từ 4,3 xuống 2,1 cháu/phụ nữ trong các năm qua. Trong vòng khoảng 10 năm Việt Nam là nước duy nhất duy trì được tỷ lệ này, nhưng chúng ta có nên giảm dưới 2,1 nữa không, kế hoạch cũ đến 2020 còn 1,8 trẻ bình quân/phụ nữ, mục tiêu như vậy không hợp lý nên nghị quyết Trung ương đã đề nghị thay đổi và đến 31/12/2017 Chính phủ có Nghị quyết số 37 về công tác dân số theo chỉ tiêu hàng đầu cũng là duy trì vững chắc sinh thay thế và coi dân số là 1 chỉ tiêu kinh tế xã hội vận động mỗi vợ chồng sinh đủ 2 con”.

Mặc dù với mức sinh hiện tại là “lý tưởng”, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn nếu vận động như vậy là chưa đủ mục tiêu 2,1 trẻ bình quân/phụ nữ. Ông Nhân đưa ra các con số về mức sinh ở các khu vực: “Báo cáo thực tế đồng bằng sông Hồng mức sinh là 2,16 cháu/ phụ nữ là tương đối ổn, Tây Bắc và vùng núi phía bắc là 2,4 cháu/phụ nữ thì hơi cao, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ 2,3 cháu/phụ nữ cũng hơi cao nhưng cũng đang cần thiết và Tây Nguyên 2,4 cháu/phụ nữ. Vì sao, vì Đông Nam bộ có 1,62 cháu/phụ nữ rất thiếu và Tây Nam Bộ có 1,8 cháu/phụ nữ, nên hiện nay tình hình Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ còn mức sinh quá thấp thì việc sinh trên 2 cháu có con thứ ba ở phần còn lại của đất nước là cần thiết vì bù lại mới có đất nước phát triển bền vững”.

Từ những dẫn chứng đưa ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị cần có chuyển đổi nhận thức để đất nước có 2,1 cháu thì phải có bộ phận sinh ba mới bù được, chúng ta làm phải có quy hoạch để không băn khoăn việc này. Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể mức sinh phù hợp cho các địa phương, không phải đâu cũng chỉ giảm, miền Nam không đạt thì miền Bắc còn bù, phải làm có tổ chức, kế hoạch. Với tinh thần đó, chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ triển khai, hướng dẫn và công tác truyền thông hợp lý để đến 2035-2045 đất nước ta 100 năm thì dân số và lao động vẫn bền vững”.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...