Biện pháp đề phòng và xử lý mang thai ngoài tử cung

Thứ Hai, 23/12/2019 02:57 PM (GMT+7)

Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu.

mang-thai-ngoai-tu-cung

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, mang thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung như ở vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng, nhưng hay gặp nhất là thai nằm ở vòi trứng.

Trong quá trình diễn ra sự thụ tinh có hàng triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo nhưng chỉ có một tinh trùng khỏe mạnh nhất mới có thể gặp trứng để tạo nên hợp tử. Hợp tử tự nhân đôi và di chuyển qua ống dẫn trứng về làm tổ trong buồng tử cung.

Vì một lý do nào đó, quá trình di chuyển của hợp tử bị trục trặc, ách tắc giữa đường đi nên đành phải phát triển tại nơi ách tắc (thường là vòi trứng). Đây không phải là nơi an toàn để phôi thai phát triển và khi phôi thai càng lớn khiến vòi trứng phải căng ra, đến khi bị vỡ, máu chảy vào ổ bụng sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Theo thống kê 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang thai ngoài tử cung.

Vì sao có tình trạng mang thai ngoài tử cung?

Nguyên nhân hàng đầu khiến thai phụ mang thai ngoài tử cung là viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia , hoặc do nạo phá thai

Do tắc, hẹp vòi trứng bẩm sinh, mắc các bệnh u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hậu quả của việc từng phẫu thuật vòi trứng… Phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá: Chất độc nicotin là một trong những "thủ phạm" gây ra tình trạng thai ngoài tử cung vì nó phá hủy các nhung mao trên thành ống dẫn trứng, giảm cử động vòi trứng khiến quá trình hợp tử di chuyển về tử cung khó khăn.

Làm sao để phát hiện thai ngoài tử cung?

Khi chửa ngoài tử cung, đầu tiên sản phụ có thể có những biểu hiện giống như một thai kỳ bình thường như là trễ kinh, ngực căng hoặc đau bụng. Sau đó bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu khác như là:

Ra máu âm đạo bất thường: Bệnh nhân có thể ra máu trước ngày hành kinh và kéo dài cho nên không nghĩ mình có thai, hoặc có khi hết khi không gọi là rong huyết. Máu chảy ra thường có màu đen, không đông lại với số lượng ít.

Đau bụng: khó có thể phân biệt triệu chứng đau bụng của việc mang thai bình thường hay chửa ngoài tử cung trong giai đoạn đầu. Khi chửa ngoài tử cung, bệnh nhân có biểu hiện đau vùng bụng dưới, đau một bên, đau âm ỉ và thỉnh thoảng có cơn đau nhói.

Khi khối thai ngoài tử cung phát triển, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện. Đặc biệt là trường hợp khối thai bị vỡ, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đột ngột đau bụng dữ dội, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Khi phát hiện những biểu hiện bất thường như trên, phụ nữ cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, kiểm tra để có hướng xử lý kịp thời.

Khi nghi ngờ bệnh nhân có thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm sau để có thể chẩn đoán chính xác, đó là:

Xét nghiệm máu định lượng nồng độ βhCG: xét nghiệm này giúp chẩn đoán có thai hay không, chứ không thể biết thai nằm trong tử cung hay không.

Siêu âm: Trên hình ảnh siêu âm sẽ thấy không có túi thai trong lòng tử cung. Có trường hợp có thể nhìn thấy khối u ở cạnh tử cung với echo dạng hỗn hợp. Hoặc có khi thấy được hình ảnh túi thai trong vòi trứng, trường hợp này có thể chẩn đoán luôn là thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, rất khó thấy được hình ảnh này. Khi chửa ngoài tử cung vỡ sẽ thấy có máu ở ổ bụng, ở vùng cùng đồ trên siêu âm.

Nội soi ổ bụng: Đây là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán nhanh chóng và chính xác 100% các trường hợp có thai ngoài tử cung.

Biện pháp đề phòng và xử lý mang thai ngoài tử cung

Thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở phòng tránh viêm nhiễm vùng kín. Khi có dấu hiệu bị bệnh cần kịp thời thăm khám để xử trí kịp thời.

Trường hợp phụ nữ từng có thai ngoài tử cung cần thông báo cho bác sĩ trước khi có ý định mang thai vì bạn có nguy cơ bị tái lại cao hơn người bình thường. Những đối tượng này cần được tư vấn, theo dõi chặt chẽ suốt thai kì.

Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu.

Nếu thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm) sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.

Nếu chần chừ thai càng ngày càng phát triển khiến người mẹ khó thở, mệt mỏi, đau bụng dữ dội do khối thai vỡ máu chảy vào ổ bụng cần nhanh chóng đưa người bệnh nhập viện ở mổ cấp cứu. Sau điều trị thai ngoài tử cung, người phụ nữ nên áp dụng biện pháp tránh thai từ 6-12 tháng để các chức năng sinh sản hồi phục trở lại.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....