Biện pháp phòng ngừa thiếu máu trong thai kỳ

Thứ Năm, 24/12/2020 11:30 AM (GMT+7)

Trong trường hợp bị thiếu máu nhẹ, mẹ bầu sẽ chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi. Nếu tình trạng thiếu máu nghiêm trọng xảy ra, mẹ bầu sẽ cảm thấy thường xuyên bị hết hơi, ốm yếu, chóng mặt, cáu kỉnh và khó tập trung, đặc biệt là tim đập nhanh.

Thiếu máu thai kỳ là tình trạng gì?

Tình trạng thiếu máu thai kỳ (hay còn gọi là thiếu máu khi mang thai) đồng nghĩa với việc cơ thể bạn có quá ít tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể phòng tránh được điều này bằng việc thực hiện chế độ ăn đa dạng, khoa học, bổ sung thêm các viên uống đa vi chất.

Phụ nữ có thai bị chẩn đoán thiếu máu khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu thấp, dưới 11g/dl.

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị thiếu máu nhưng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu.

Các tế bào hồng cầu chiếm số lượng lớn trong máu, đảm nhận vai trò chính là vận chuyển oxy từ tim đi khắp các cơ quan, bộ phận. Tế bào hồng cầu có chứa một loại protein được gọi là hemoglobin, rất cần thiết cho việc vận chuyển oxy. Hồng cầu đóng vai trò tạo nên sắc tố đỏ của máu nên còn được gọi là huyết sắc tố. Tủy xương là nơi chịu trách nhiệm sản xuất hồng cầu. Để tủy xương có thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cơ thể cần được cung cấp đủ sắt, vitamin B12, folate (axit folic).

Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về chất sắt. Trong thai kỳ, nhu cầu sắt của mẹ bầu tăng cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt trở nên phổ biến hơn. Mẹ bầu bị thiếu cân, suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thiếu máu thai kỳ.

Tình trạng thiếu máu khi mang thai gây ảnh hưởng đến cả mẹ bầu lẫn em bé như sảy thai, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, thai nhi nhẹ cân, sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng… Do đó, việc duy trì nồng độ hemoglobin trong giới hạn bình thường khi mang thai là rất quan trọng.

Dấu hiệu mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ

Các triệu chứng thiếu máu khi mang thai có thể nhẹ nên lúc đầu thường dễ bị bỏ qua và hay nhầm lẫn với các dấu hiệu mang thai giai đoạn đầu. Dưới đây là một số dấu hiệu mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ:

  • Chóng mặt
  • Tức ngực, khó thở
  • Tay chân lạnh
  • Khó tập trung
  • Da, môi và móng tay nhợt nhạt
  • Ốm yếu, thường xuyên mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều…

Thực tế là dù có các dấu hiệu thiếu máu hay không thì khi đi khám thai, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ bầu xét nghiệm máu để sàng lọc nguy cơ thiếu máu. Do đó, nếu thường xuyên mệt mỏi hay có một trong các dấu hiệu kể trên, hãy thông báo cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt.

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu thai kỳ

Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, ngoài chế độ ăn đa dạng các thực phẩm chứa nhiều chất sắt, bạn có thể sử dụng thêm viên uống bổ sung sắt. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần ngăn ngừa tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và một số vấn đề viêm nhiễm khác, chẳng hạn như sốt rét, sốt xuất huyết… Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên sử dụng thêm viên uống có đủ các thành phần sắt, axit folic, vitamin B12 mỗi ngày.

Việc có chế độ dinh dưỡng có thể giúp mẹ bầu ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt khi. Sắt có nhiều trong các thực phẩm như thịt đỏ nạc, thịt gia cầm, trứng, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, các loại đậu…

Cơ thể hấp thu sắt trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Để có thể hấp thu tối đa lượng sắt từ thực phẩm, mẹ bầu nên bổ sung vào chế độ ăn các loại trái cây giàu vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi, mận, thanh long, táo… Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt đỏ, các loại cá, động vật có vỏ, sữa và các sản phẩm làm từ sữa… cũng nên có mặt trong thực đơn hằng ngày của mẹ bầu. Bởi nếu nồng độ vitamin B12 trong cơ thể thấp sẽ cản trở tế bào hồng cầu phát triển hoàn chỉnh, gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu khổng lồ.

Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý các điều sau:

Hạn chế tiêu thụ những chất có tác dụng ức chế sự hấp thu sắt của cơ thể như: tanin, axit phytic (phytate), caffeine… có trong ngũ cốc thô, trà, cà phê… Do đó, mẹ bầu không nên uống viên bổ sung sắt cùng với trà, cà phê hay sữa.

Tránh dùng viên uống bổ sung sắt với canxi, sắt với thuốc chống loét dạ dày vì chúng làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Nếu buộc phải dùng nên uống cách nhau ít nhất 2 giờ.

Sử dụng viên uống bổ sung sắt hoặc viên uống đa vi chất đúng liều và đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Việc sử dụng viên uống bổ sung sắt, axit folic cùng vitamin B12 có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần. Để giảm bớt cảm giác khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, mẹ bầu nên uống thuốc vào một giờ nhất định, ăn thêm rau quả và uống nhiều nước.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...