Bình Định thực hiện nhiều giải pháp đẩy lùi tình trạng tảo hôn

Thứ Sáu, 10/03/2023 09:16 AM (GMT+7)

Tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, tỷ lệ tảo hôn tuy đã giảm những không đáng kể đã và đang gây nhiều hệ lụy xấu; đồng thời, đặt ra cho ngành chức năng huyện Vân Canh nhiều thách thức cần sớm có biện pháp tháo gỡ.

Theo thống kê của huyện Vân Canh, từ năm 2021 đến nay, tình trạng tảo hôn nơi đây tuy có giảm nhưng chưa đáng kể. Các xã có nhiều trường hợp tảo hôn là Canh Hòa, Canh Liên và Canh Hiệp. Cá biệt tại xã Canh Hiệp có trường hợp trẻ em gái mới 14 - 15 tuổi đã kết hôn.

Năm 2022, xã Canh Hòa là địa phương “dẫn đầu” huyện về tảo hôn với 7 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch UBND xã Canh Hòa lý giải: “Các trường hợp tảo hôn đều tập trung ở vùng đồng bào dân tộc Chăm làng Canh Thành. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng các trường hợp này đều bỏ học sớm, chưa có sự quan tâm của gia đình, các em tự do làm mọi việc mình thích nên thường yêu sớm, làm mẹ sớm dẫn đến tảo hôn”.

Theo ông Sô Lan Tài - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, tình trạng tảo hôn tồn tại dai dẳng trước tiên là do nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu sự giáo dục giới tính cho con. Cùng với đó là trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như tuyên truyền, giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức. Các chế tài của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể chưa thực sự nghiêm minh nên nhiều gia đình vẫn cho các con về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh vận động Người có uy tín tham gia phòng, chống tảo hôn.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh vận động Người có uy tín tham gia phòng, chống tảo hôn.

Từ đó có thể thấy, muốn thay đổi nhận thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Trong đó, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp.

Việc nhân rộng các mô hình giảm thiểu tảo hôn hoặc chia sẻ rộng rãi những câu chuyện có thật từ những người DTTS có uy tín, học tập thành đạt và kết hôn đúng tuổi sẽ có hiệu quả thiết thực đối với công tác này. Thời gian qua, lực lượng già làng, Người có uy tín đã góp phần ngăn chặn kịp thời nạn tảo hôn. Nhiều Người có uy tín đã lồng ghép những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào nội dung cuộc hội họp, sinh hoạt để người dân làm quen, hiểu và tuân thủ.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bố trí kinh phí để tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và HNCHT tại địa phương, tập trung vào đối tượng học sinh đang học tại các trường bán trú, nội trú và các thanh niên bỏ học.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...