Bổ sung vi chất sai cách gây hệ lụy khôn lường với trẻ

Thứ Năm, 31/08/2023 06:17 PM (GMT+7)

Trước khi sử dụng sản phẩm bổ sung cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem con mình thiếu chất gì, mắc bệnh gì, từ đó biết được loại nào đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của con.

Thận trọng với các sản phẩm bổ sung vi chất

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngày càng nhiều bậc phụ huynh tìm đến các sản phẩm hỗ trợ, bổ sung dành cho trẻ. Lợi dụng tâm lý này, nhất là khi hiện nay mạng xã hội phát triển, rất nhiều lời mời chào hấp dẫn, từ giúp trẻ "thông minh vượt trội, tăng cường hệ miễn dịch, ăn ngon, ngủ tốt"… khiến cha mẹ như lạc vào "ma trận". Thực tế, các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trôi nổi, không được nghiên cứu, không dựa trên khuyến cáo dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi… dẫn đến hàm lượng không đáp ứng đủ hoặc vượt quá khuyến nghị. Khi dùng trong thời gian dài, có thể dẫn đến những biến chứng quá liều, hoặc gây rối loạn quá trình trao đổi chất.

Chẳng hạn, với các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D nếu cho trẻ sử dụng quá liều hoàn toàn có thể gây ngộ độc. Hay thừa canxi sẽ gây ra những vấn đề lắng cặn, gây sỏi ở thận, ở các mô cơ quan, thậm chí gây các vấn đề về xơ cứng các thành mạch máu… Bên cạnh đó, sử dụng các sản phẩm bổ sung tràn lan trẻ còn phải đối diện với tình trạng phụ thuộc vào sản phẩm, cứ thiếu là con lại biếng ăn, khó ngủ.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ có sức khỏe bình thường, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ sẽ không bị thiếu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, không được bú sữa mẹ, bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, mắc các bệnh về gan, mật... sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, nếu trẻ không may rơi vào nhóm có nguy cơ bị thiếu hụt này thì việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là việc làm cần thiết. Ngoài ra, nếu các bậc phụ huynh nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin và khoáng chất.

Nhưng, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng. Thay vì giữ thói quen bổ sung chất bổ cho con một cách đầy "cảm tính", hãy làm cha mẹ thông thái bằng cách tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc để lựa chọn được sản phẩm hiệu quả, an toàn. Trước khi sử dụng sản phẩm bổ sung cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem con mình thiếu chất gì, mắc bệnh gì, từ đó biết được loại nào đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của con.

Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể dùng liều cao hơn, theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa. Các phụ huynh cần phải biết nhu cầu hàng ngày về vitamin và khoáng chất trên mỗi độ tuổi của con mình là bao nhiêu. Đồng thời, khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ cần chú ý dùng đúng chỉ định để tránh biến chứng xấu do quá liều.

OIP

Bổ sung vi chất đúng cách

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thiếu vi chất, điển hình như khi cơ thể đang phát triển có nhu cầu vi chất cao, hoặc việc thường xuyên bị bệnh, nhất là nhiễm trùng cũng làm tăng nhu cầu về vi chất, hoặc do nhiễm giun sán… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ăn uống không đa dạng thực phẩm, không thay đổi món ăn, ăn nhiều thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, lười ăn hoặc kén ăn…

Đặc biệt, không chỉ có trẻ gầy mới có nguy cơ thiếu vi chất, trẻ có cân nặng bình thường, thậm chí trẻ thừa cân, béo phì vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng. Các biểu hiện thiếu vi chất thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn nhưng lại rất thường gặp trong cộng đồng và gây những tác động lớn, ảnh hưởng sự phát triển và trí tuệ của giống nòi, sức lao động của xã hội.

Các gia đình nên cho trẻ ăn đúng theo từng độ tuổi, cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với số lượng phù hợp, tập ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, thường xuyên thay đổi món ăn… Nếu nghi ngờ trẻ thiếu vi chất thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín để khám. Tùy thể trạng cơ thể của mỗi trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về dinh dưỡng. Căn cứ vào kết quả thăm khám và xét nghiệm, trẻ sẽ được bổ sung vi chất theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Các nghiên cứu can thiệp được Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành tại nhiều quốc gia cũng đã cho thấy việc bổ sung một vài vi chất đơn lẻ không có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ em.

Ví dụ phổ biến là để tăng chiều cao, các bậc phụ huynh thường chú trọng hàm lượng canxi. Tuy nhiên, thực tế là tham gia vào quá trình chu chuyển xương có rất nhiều vi chất khác như Kẽm, Magie, Photpho hay các vitamin giúp xương khỏe hơn như vitamin A, D… Hay với những trẻ thiếu máu, thiếu sắt sẽ được cung cấp thêm vitamin C để dễ hấp thu, thêm đạm để tạo máu tốt so với nhu cầu hàng ngày. Với trẻ biếng ăn, đừng bỏ quên Lysine, vitamin nhóm B…

Vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn một sản phẩm bổ sung đầy đủ các loại chất dinh dưỡng cần thiết mà trẻ dễ bị thiếu. Chẳng hạn như vitamin A, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B7, B12), vitamin C, vitamin D và I-ốt. Nên lựa chọn các loại vitamin được sản xuất dành riêng cho trẻ em và đảm bảo rằng chúng không chứa hàm lượng vượt quá nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, không có hiện tượng tăng cân ảo, không gây dậy thì sớm.

Bên cạnh chọn lựa các thành phần có trong sản phẩm, cha mẹ cần quan sát bằng cảm quan về nhãn mác bên ngoài (độ sắc nét, màu sắc, xuất xứ...). Song song đó, không cho con dùng những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, cần tìm hiểu nơi phân phối uy tín, mua các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho trẻ có chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, trẻ em vốn kén chọn thức ăn và bổ sung vitamin dạng dung dịch sẽ dễ dàng hơn các loại viên nén.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....