Các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung

Thứ Sáu, 22/09/2023 05:33 AM (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung là ung thư hay gặp ở nữ giới. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung như nhiễm HPV (Human Papilloma Virus), quan hệ tình dục sớm, thiếu chăm sóc vệ sinh phần phụ, suy giảm miễn dịch. Vậy ung thư cổ tử cung bao gồm những giai đoạn phát triển nào

1. Ung thư cổ tử cung là gì

Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polyp... dễ chảy máu.

Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Ung thư cổ tử cung có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ qua đời vì căn bệnh này. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có đến 5000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng một nửa số ca gây tử vong. Trung bình mỗi ngày, có 7 phụ nữ tử vong và 14 ca mắc mới vì căn bệnh này.

2. Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung

Theo các nghiên cứu, 99.7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus gọi là Human Pappiloma Virus thuộc type nguy cơ cao. Human Papilloma Virus (còn gọi là virus HPV) là loại virus với hơn 100 type , trong đó có khoảng 15 type có khả năng gây ung thư gọi là type "nguy cơ cao" và phổ biến nhất là các type HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là type 31 và 45.

HPV là loại virus lây truyền qua quan hệ tình dục và ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da cũng đã có thể lây nhiễm. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không gây triệu chứng gì và có thể tự khỏi sau đó vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm HPV type nguy cơ cao có thể tồn tại lâu dài, làm biến đổi tế bào cổ tử cung một cách bất thường, không kiểm soát, gây ra các tổn thương từ mức độ thấp và cao rồi tiến triển dần thành ung thư. Tiến trình này có thể mất hơn 10 năm.

kansa-ya-kizazi-2

3. Các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung:

- Giai đoạn 1: Nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus): Hầu hết các loại HPV đều tự biến mất và không gây tổn hại đến sức khỏe, nhưng một vài loại này lại có thể làm cho các tế bào của cổ tử cung phát triển bất bình thường gây ra ung thư cổ tử cung.

- Giai đoạn 2: Tiền ung thư: Có khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm HPV phát triển sang giai đoạn tiền ung thư. Thời gian kể từ khi nhiễm HPV đến tiền ung thư kéo dài từ 5-10 năm. Phụ nữ trong giai đoạn này vẫn bình thường và chưa được gọi là mắc bệnh “ung thư”. Giai đoạn này nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không phát triển thành ung thư.

- Giai đoạn 3: Ung thư chưa/không di căn: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư phát triển chủ yếu trong cổ tử cung. Nếu được điều trị hợp lý sẽ đem lại một kết quả khả quan cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị giai đoạn này có thể là: cắt tử cung, hoặc kết hợp nạo các hạch có chọn lọc, xạ trị, hóa trị... Sau khi phẫu thuật, một số trường hợp ung thư cổ tử cung sẽ không phát triển thêm hoặc bệnh được chữa khỏi.

- Giai đoạn 4: Ung thư di căn: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể, đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Khoảng 1% bệnh nhân ở giai đoạn 2 phát triển thành loại ung thư nguy hiểm này.

Ở giai đoạn này, các khối ung thư không thể áp dụng phương thức phẫu thuật triệt để mà phải sử dụng phương pháp: xạ trị ngoài vùng chậu đơn thuần, hóa trị đồng thời với xạ trị ngoài vùng chậu, xạ trị ngoài vùng quanh động mạch chủ bụng nếu có di căn hạch cạnh động mạch chủ bụng; xạ trị trong…

4. Quá trình di căn của ung thư cổ tử cung

Khi ung thư lan tràn đến các bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là di căn. Các tế bào ung thư đi ra khỏi nơi chúng bắt đầu ( khối u nguyên phát) và đi qua hệ bạch huyết hoặc máu.

- Qua hệ bạch huyết. Ung thư xâm nhập vào hệ bạch huyết, đi qua các mạch bạch huyết và tạo thành một khối u (khối u di căn) ở một bộ phận khác của cơ thể.

- Qua máu. Ung thư xâm nhập vào máu, đi qua những mạch máu và tạo thành khối u (gọi là khối u di căn) ở một bộ phận khác của cơ thể.

Các khối u di căn cũng là cùng một loại ung thư như khối u nguyên phát. Nếu ung thư cổ tử cung lan đến phổi, các tế bào ung thư trong phổi thật ra cũng là các tế bào ung thư cổ tử cung nhưng đây được gọi là ung thư cổ tử cung di căn, chứ không phải là ung thư phổi.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....