Các việc cặp vợ chồng cần chuẩn bị trước khi mang thai

Thứ Sáu, 24/01/2020 11:59 AM (GMT+7)

Để góp phần đảm bảo cho một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, cũng như tương lai sức khỏe lâu dài cho cả mẹ và bé, việc chuẩn bị đầy đủ, chu đáo trước khi mang thai là hết sức cần thiết.

mang-thai

Các việc cặp vợ chồng cần chuẩn bị trước khi mang thai

Đánh giá sức khỏe tổng quát của hai vợ chồng dựa trên: tiền sử gia đình, tiền sử bản thân và khám kiểm tra sức khỏe tiền mang thai.

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ số khối cơ thể (BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao(m)2), lên kế hoạch khả năng đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về mức năng lượng cần thiết, lượng nước uống, thành phần dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, cần thiết trước mang thai ít nhất 3 tháng.

Các mũi tiêm ngừa cần thiết hoàn thành trước khi mang thai.

Việc đầu tiên là cặp vợ chồng sẽ thu thập các thông tin

Tiền sử trong gia đình hai bên

Các bệnh di truyền, dị tật trong gia đình và anh em họ, cô dì chú bác có ai bị bệnh Down hoặc đã qua đời vì các bệnh có bất thường nhiễm sắc thể được biết.

Các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tự miễn trong gia đình thế hệ gần nhất như bố mẹ, anh chị em.

Tiền sử bản thân từ lúc sanh đến hiện tại về tình trạng sức khỏe

Bệnh đã từng mắc.

Tình trạng phát triển thể chất, tâm thần.

Các mũi tiêm chủng cùng thời điểm được chích.

Một số bệnh di truyền cần lưu ý khi mang thai

Bệnh Thalassemia.

Bệnh ưa chảy máu do thiếu các yếu tố đông máu.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Bệnh thiếu men G6PD.

Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

Bệnh tự miễn.

Bệnh ung thư vú, buồng trứng.

Hai vợ chồng cùng đi khám và tư vấn tiền mang thai với bác sĩ phụ sản

Cung cấp và thảo luận với bác sĩ về các thông tin tiền sử gia đình, bản thân, tiền sử chích ngừa và môi trường sống, điều kiện làm việc và thói quen sinh hoạt.

Các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh kiểm tra sức khỏe tổng quát của hai vợ chồng cũng sẽ được thực hiện ở lần tham vấn này.

Các bệnh lý nội khoa cần lưu ý điều trị ổn định trước khi mang thai như: bệnh tim, tăng huyết áp, hen suyễn, động kinh, cường giáp, suy giáp, tiểu đường, bệnh tự miễn.

Tất cả các tình trạng bệnh lý trên đều có thể nặng lên trong thai kỳ, gây biến chứng trên mẹ và thai, thậm chí có thể gây dị tật thai như trường hợp thai phơi nhiễm với tình trạng đường huyết của mẹ cao và không ổn định trong 3 tháng đầu mang thai. Bệnh động kinh đang điều trị cũng cần bổ sung liều acid folic cao hơn, tương đương trên 1000 microgam so với bổ sung thông thường 400 – 600 microgam ở phụ nữ không bị bệnh.

Chuẩn bị về mặt dinh dưỡng cho cơ thể người mẹ trước khi mang thai

Chỉ số khối cơ thể (BMI) giúp định hướng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết và số cân cần tăng đúng chuẩn trong thai kỳ. BMI lý tưởng trong khoảng từ 18-23kg/m2. Tất cả các trường hợp thiếu cân (BMI < 17 kg/m2) hoặc thừa cân (BMI > 26 kg/m2) đều có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của thai, xuất hiện các biến cố bất lợi mới trong thai kỳ như nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật), tiểu đường thai kỳ, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhau bong non…

Sự chuẩn bị dinh dưỡng trước khi mang thai nên được chú ý và bắt đầu từ 3 tháng trước khi dự định mang thai. Các trường hợp người phụ nữ phải làm việc cường độ cao, căng thẳng, mất cân bằng dinh dưỡng, rối loạn lo âu, giấc ngủ do stress thì sự chuẩn bị về dinh dưỡng cần tiến hành song song với việc điều chỉnh cân đối và điều độ chế độ sinh hoạt, làm việc, giấc ngủ chất lượng trong ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm trước khi dự định mang thai.

Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng qua đường ăn uống thực phẩm tự nhiên, chế biến trực tiếp thì việc bổ sung các thực phẩm đa sinh tố, khoáng chất trong các muối hữu cơ sẽ dễ hấp thu và phù hợp với những phụ nữ quá bận rộn để chuẩn bị bữa ăn đúng và đủ nhu cầu, cũng như những người không ăn được nhiều hoặc đã dư cân béo phì đang lộ trình điều trị giảm cân về cân nặng lý tưởng.

Tiêm ngừa trước khi mang thai nên được thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất từ 3 – 6 tháng trước dự định

Người phụ nữ khi mang thai có tình trạng sụt giảm sức đề kháng dẫn tới dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn so với người không mang thai, trong đó có những bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hoặc để lại di chứng nặng nề.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mẹ bị nhiễm các siêu vi như: cúm, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella có nguy cơ gây sảy thai, thai dị tật.

Trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ các virus trên khi nhiễm vào cơ thể người mẹ có nguy cơ truyền qua thai gây tình trạng nhiễm trùng cấp cho thai dẫn tới sanh non hoặc thai suy, nhẹ cân.

Riêng viêm gan siêu vi B nếu mẹ không được chích ngừa, bị nhiễm trong thai kỳ và không điều trị thích hợp khi có chỉ định, thì có rất nhiều nguy cơ lây truyền cho bé và 90% các bé sẽ thành bệnh viêm gan mãn tính, diễn tiến xơ gan, ung thư gan sau này.

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung song song với làm phết tế bào âm đạo tầm soát ung thư cổ tử cung (Pap test) cũng cần thiết trước khi mang thai. Ung thư cổ tử cung trong thai kỳ điều trị rất khó khăn, vì cần xem xét sức khỏe thai và tuổi thai khi can thiệp. Vắc xin ung thư cổ tử cung có loại chỉ ngừa ung thư (ngừa HPV tuýp 16, 18) và loại ngừa cả HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung lẫn 2 loại HPV 6 và 11 gây các sang thương lành tính như mồng gà, mụn cóc. Phác đồ chích ngừa HPV trước khi mang thai được áp dụng theo lịch 0, 1, 6 hoặc 0, 2, 6 tùy loại thuốc và theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ.

Lịch tiêm ngừa căn bản dành cho phụ nữ chuẩn bị mang thai như sau:

Mũi sởi – quai bị – rubelle còn gọi là mũi MMR sẽ chích 1 mũi duy nhất, trước dự định mang thai ít nhất 28 ngày, hoặc 3 tháng cũng được.

Mũi thủy đậu chích riêng 1 mũi duy nhất, giúp ngừa 80% nhiễm thủy đậu trong thai kỳ và hiếm khi bị tái nhiễm, hoặc có tái nhiễm thì thường thể nhẹ không biến chứng. Thủy đậu cũng cần chích trước mang thai 3 tháng.

Mũi cúm chích hàng năm có 2 cách: chích ngoài thai kỳ trước mang thai 1-3 tháng, hoặc chích an toàn trong thai kỳ vào tam các nguyệt thứ 2 tùy theo thời điểm đang mùa cúm.

Mũi viêm gan siêu vi B: sau khi bác sĩ cho xét nghiệm đánh giá người vợ có đủ điều kiện chích ngừa, có thể chọn phác đồ 0, 2, 6 tháng trước mang thai. Khi người vợ hoàn thành mũi thứ 2, tức sau 2 tháng sẽ có kết qủa đáp ứng miền dịch tốt, mũi thứ 3 có thể chích thời điểm hậu sản nếu người vợ mang thai. Hạn chế chích ngừa virus viêm gan siêu vi B khi đang mang thai.

Mũi HPV: cũng tương tự như mũi vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B, phụ nữ đang mang thai thì ngưng chích.

Để có thai kỳ khỏe mạnh như ý, thì việc chuẩn bị từ 3- 6 tháng trước khi mang thai trên mọi phương diện từ tình trạng sức khỏe hai vợ chồng, đánh giá dinh dưỡng đến khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm, chích ngừa là rất cần thiết. Vai trò người chồng đồng hành, chia sẻ mối quan tâm trong việc cùng nhau vun đắp cho sức khỏe người mẹ và thai nhi cũng rất quan trọng.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....