Cách chăm sóc các bà mẹ sinh mổ chuẩn nhất

Thứ Năm, 09/05/2019 11:24 AM (GMT+7)

Các bà mẹ sinh mổ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt hay chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực, nhất là khi vừa đau với vết mổ vừa phải chăm sóc con cái.

sinh-mo

Chăm sóc vết mổ

Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ, cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những thuốc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vì vậy các bà mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Các vết mổ đang trong quá trình lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể gây ra cảm giác choáng váng và kiệt sức.

Sang tuần thứ hai, nếu khâu bằng chỉ không tiêu thì sẽ bác sĩ xem xét vết mổ, nếu khô sạch thì cắt chỉ. Thông thường, bác sĩ sẽ cắt chỉ sau 5 ngày nếu mẹ mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Thời gian này, mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng. Không nên thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.

Lưu ý, có những người cơ địa lồi, thậm chí 4 tháng sau khi cắt chỉ, mới nhú sẹo lồi. Sẹo lồi là vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da, có màu sậm hoặc hơi tím, khi đụng vào có thể đau hoặc ngứa và tồn tại mãi với thời gian. Các mẹ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm có thể gây nhiễm trùng.

Vận động nhẹ

Sau mổ khoảng 6 giờ, mẹ nên nằm nghiêng để tránh chạm đến vết mổ và giảm đau cho cơ thể.

Sau khi ống thông tiểu được lấy ra khỏi cơ thể, mẹ nên tập đứng dậy và đi bộ nhẹ nhàng. Việc vận động này giúp cho máu huyết lưu thông, vết thương mau lành lại và tránh các hiện tượng như kết dính ruột…

Riêng đối với những mẹ đã mất quá nhiều sức trong thời gian chuyển dạ, nên nằm nghỉ ngơi thêm để tránh bị té ngã hay ngất xỉu khi cố gắng vận động.

Cho con bú

Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.

Quan niệm không dám cho con bú ngay sau sinh mổ vì sợ có hại cho bé, sữa không kịp về hay sữa còn chứa thuốc gây tê ảnh hưởng đến trẻ khá phổ biến ở chị em sản phụ. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể cho con bú ngay sau một giờ đầu sau sinh mổ bằng hình thức gây tê. Với những sản phụ sinh mổ bằng hình thức gây mê toàn thân, thời điểm thông thường có thể cho bé bú sau khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây mê bớt tác dụng. Cho bé bú sớm không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử, tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp tử cung của mẹ mau phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Để tránh ảnh hưởng của vết mổ, các mẹ nên nhờ người thân trợ giúp để đỡ bé ở tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con.

Vệ sinh

Ngay sau khi sinh, mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng.

Để tránh hiện tượng bí tiểu sau sinh, chị em nên tập đi tiểu từ 2 đến 3 giờ sau khi rút ống thông tiểu. Nếu nửa ngày đầu còn yếu, chị em có thể dùng bô ngay tại chỗ, sang ngày thứ hai có thể vào nhà vệ sinh.

Nên lau rửa thân thể bằng nước ấm và lau khô người. Sang tuần thứ hai thì có thể tắm rửa bình thường, tránh làm ướt vết mổ, không chà mạnh lên vết mổ.

Chế độ dinh dưỡng

Khoảng 6 giờ sau khi sinh mổ mẹ không nên ăn gì do đường ruột và dạ dày vẫn còn chịu tác động của thuốc. Mẹ chỉ nên uống cháo loãng nếu cảm thấy quá đói.

Sau sinh 1 tuần mẹ có thể ăn rau củ, thịt cá...Sau thời gian sinh từ 1 đến 2 ngày mẹ cũng nên tránh các thức ăn dầu mỡ, khó tiêu hóa.

Sau một tuần mẹ có thể ăn các bữa ăn phong phú với gia cầm, thịt, cá, trứng và rau củ… Nhưng mọi thứ cần được nấu chín. Việc cung cấp đầy đủ lượng protein lúc này là rất cần thiết để vết mổ kéo da non.

Những triệu chứng cần lưu ý sau hậu phẫu

Sản dịch:

Sản dịch chảy ra sau khi bạn sinh mổ nghĩa là tử cung vẫn đang hồi phục tốt. Nếu sản dịch không xuất hiện hay có những hiện tượng như có mùi hôi hay có màu đỏ tươi thì bạn cần đến gặp bác sĩ vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng hậu sản, băng huyết hay sót nhau…

Vết mổ đau, sưng đỏ hay tiết dịch:

Nếu vết mổ có những triệu chứng này bạn cần đến bệnh viện để được chăm sóc.

Sốt:

Bạn có thể bị sốt do vết mổ bị nhiễm trùng hay do ủ ấm cơ thể quá mức. Do đó nên uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát và giữ cho vết mổ luôn sạch sẽ.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....