CẨM NANG BẢO VỆ SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI GIÀ

Thứ Tư, 13/04/2022 10:27 AM (GMT+7)

Với người cao tuổi, sức khỏe luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu. Để sống khỏe, vui vẻ và tăng tuổi thọ cũng như có kỹ năng tự chăm sóc, dự phòng rủi ro bệnh tật, hãy cùng xem những "bí quyết" duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thế nào là tốt nhất.

Phát hiện sớm các bệnh mạn tính

Xây dựng thói quen khám sức khỏe cho người cao tuổi sẽ giúp phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm, phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn mầm mống.

Đo chiều cao, cân nặng: Thực hiện mỗi năm một lần, có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe chung toàn cơ thể, phát hiện bệnh béo phì hoặc tình trạng suy dinh dưỡng, loãng xương. Hàng năm, chiều cao của người cao tuổi giảm dần, lưng còng thêm thì điều đầu tiên phải nghĩ tới là bệnh loãng xương.

Đo huyết áp: Là cách đơn giản nhưng hữu ích cho việc chẩn đoán bệnh tăng huyết áp. Người có số đo huyết áp >140/90 mmHg là bị bệnh tăng huyết áp. Bạn nên ghi lại số đo huyết áp mỗi lần đo để theo dõi.

Chụp X-quang phổi: Bệnh lý mạn tính của phổi chiếm từ 50% đến hơn 70% ở người cao tuổi. Người bệnh nên làm xét nghiệm thông thường này để có thể phát hiện, phòng ngừa, điều trị sớm bệnh viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Đo điện tim: Đo điện tim hằng năm là rất cần thiết. Nếu bệnh được phát hiện sớm để theo dõi, điều trị thì người cao tuổi vẫn có thể có cuộc sống khỏe mạnh.

Đo mật độ xương: Nên làm ở người trên 60 tuổi, người thấp nhỏ, phụ nữ sau mãn kinh, người hay phải dùng thuốc corticoid.

Thăm trực tràng: Ung thư đại trực tràng hầu hết xảy ra ở những người tuổi 50 trở lên. Đó là lý do vì sao người lớn tuổi nhất thiết phải đi nội soi đại tràng để có những phát hiện kịp thời.

Tập thể dục, chơi thể thao

cach-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-1

Phần lớn người cao tuổi ít vận động, khiến cơ thể thích nghi kém hơn với sự thay đổi của môi trường sống. Khi thời tiết chuyển mùa cũng dễ mắc bệnh vặt.

Do đó, khuyến khích người cao tuổi tập thể dục nhẹ nhàng, chơi thể thao phù hợp với sức khoẻ như dưỡng sinh, yoga, thiền, khiêu vũ dưỡng sinh… giúp cải thiện sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai để phòng chống bệnh tật.

Chế độ luyện tập của người cao tuổi nên thực hiện đều đặn từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20 – 60 phút. Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người cao tuổi thường bị suy giảm.

Khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu cùng bạn tập bạn chơi sẽ giúp người cao tuổi khuây khỏa, giảm stress, được chia sẻ cùng bạn bè từ đó sẽ không còn cảm giác cô đơn hay buồn bã.

Trong trường hợp không tham gia tập thể dục, người cao tuổi cũng nên đi ra ngoài giao lưu, vận động và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhằm kích hoạt các tế bào trong da sản xuất vitamin D, một tiền nội tiết tố rất cần thiết cho sức khỏe của xương và ảnh hưởng khá quan trọng đối với các bệnh trầm cảm, bệnh tim, đái tháo đường...

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ ăn uống của người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho người già. Một số vấn đề người cao tuổi nên áp dụng trong bữa ăn của mình đó là: Không nên ăn quá no, các bữa ăn nên được chia nhỏ ra thành 5, 6 bữa trong ngày, các món ăn nên được thay đổi cách thức để tạo cảm giác thèm ăn.

Thức ăn cho người cao tuổi cần đa dạng, giàu dưỡng chất, chế biến dưới dạng mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Nếu ăn cháo tốt nhất nên ăn cháo đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván... Người cao tuổi nên ăn món súp, món hầm, tốt nhất dùng cà rốt, khoai tây, đậu, nấm các loại. Nếu ăn canh, nên ăn rau ngót, rau dền, hoa thiên lý, đu đủ, cải xoong, bí đao. Nếu ăn cá nên ăn cá lóc, cá bống và các loại cá nạc ít mỡ dưới dạng nấu canh chua…

Người cao tuổi nên dùng cá thay thịt; khuyến khích dùng sữa tươi, sữa chua (yaourt): 250ml sữa tươi (hoặc 2 hũ yaourt) cung cấp 300mg canxi mỗi ngày. Khẩu phần ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no một lần. Bữa tối không nên ăn quá muộn, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể tạo tiền đề cho tai biến mạch não, mạch vành.

Hạn chế thói quen độc hại

Trong số các yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa được thì hút thuốc là là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật tử vong ở người cao tuổi do hút thuốc gây hầu hết các vấn đề về hô hấp ở người cao tuổi, gây nhiều loại ung thư. Hút thuốc cũng là nguyên nhân quan trọng gây bệnh mạch vành, tạo điều kiện thuận lợi gây loãng xương. Mặc dù biết lợi ích của việc cai thuốc nhưng hầu hết những người hút thuốc rất khó cai do các triệu chứng khi cai thuốc như thèm nicotin, cáu kỉnh, chán ăn, lo âu, bồn chồn, khó tập trung và do thiếu động lực. Việc cai thuốc mang lại lợi ích cho sức khỏe và tuổi thọ của người cao tuổi. Tuy nhiên không thể cai thì có thể giảm bớt.

Ngoài ra, uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ bị các bệnh như bệnh cơ tim, xơ gan, viêm teo dạ dày, viêm tụy mãn, bệnh thần kinh ngoại vi và sa sút tâm thần, ngã, tai nạn, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch và ngộ độc. Ở người cao tuổi, ngộ độc rượu có thể xảy ra chỉ với một lượng nhỏ do tình trạng giảm chuyển hóa vì tăng khối mỡ trong cơ thể. Khả năng chuyển hóa của gan cũng giảm và tăng nhạy cảm của não với tác dụng của rượu.Vì vậy cần hạn chế uống rượu cũng như ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc rượu.

images

Đề phòng tai nạn

Hầu hết những tai nạn ở người cao tuổi đều liên quan cách này hay cách khác với những thay đổi do tuổi tác, nhất là ở các giác quan và hệ cơ xương.Tai nạn thường gây đau, chấn thương, làm mất khả năng hoạt động chức năng, phải bất động dài ngày với những biến chứng nguy hiểm. Sợ ngã làm cho người cao tuổi không dám đi đâu, và mất khả năng sống độc lập. Bỏng và ngã là các loại tai nạn hay gặp nhất ở người cao tuổi. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ ngã và tai nạn ở người cao tuổi như: suy giảm trí nhớ, sa sút tâm thần, lú lẫn, các bệnh mạn tính, chấn thương về tình cảm.

Do vậy, hầu hết các tai nạn đều có thể phòng tránh được bằng cách cải thiện độ an toàn của môi trường sống, bao gồm: sơn màu sắc khác nhau để người cao tuổi dễ nhận; lấy bỏ những vật cản trên đường đi lại; đảm bảo đủ ánh sáng; dùng giầy dép phẳng; gắn các tay vịn ở những chỗ hay ngã.

Mong rằng những vấn đề được đề cập trên đây sẽ giúp cho người cao tuổi có được một cuộc sống mạnh khỏe, thoải mái về thể chất và tinh thần, từ đó có thể trở thành những “cây cổ thụ” vững chắc trong mỗi gia đình Việt Nam chúng ta.

10 hành động nhỏ mang lại niềm vui lớn cho cha mẹ

- Thường xuyên thăm hỏi cha mẹ, nếu có điều kiện, hãy đưa họ đi khám sức khỏe;

- Chụp ảnh với cha mẹ nhiều hơn;

- Đừng bực bội khi thấy cha mẹ nói nhiều;

- Giữ ấm cho cha mẹ khi trời rét;

- Hãy rửa chân (hay gội đầu, cắt móng tay, đấm lưng) cho cha mẹ ít nhất 1 lần/năm;

- Dành thời gian trò chuyện, tâm sự với cha mẹ thường xuyên hơn;

- Hãy nghe cha mẹ trút bỏ bực tức, cởi bỏ khúc mắc cho cha mẹ;

- Nếu đã lập gia đình, hãy đối xử tốt với nhau bởi vì cha mẹ rất đau lòng khi con cái bất hòa;

- Hãy ủng hộ sở thích của cha mẹ, tôn trọng sự lựa chọn của cha mẹ;

- Thi thoảng hãy đưa cha mẹ đi xem phim hoặc cho cha mẹ trải nghiệm một lần công nghệ mới.

Trần Giang

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....