Cần lưu ý điều gì khi giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên

Thứ Sáu, 18/08/2023 02:01 PM (GMT+7)

Chăm sóc sức khỏe vị thành niên là một vấn đề xã hội rất quan tâm, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội.

Tuổi vị thành niên là gì?

Tuổi dậy thì - vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Độ tuổi vị thành niên là 10 - 18 tuổi.

Ở tuổi vị thành niên, dưới tác dụng sinh lý của hormone, cơ thể trẻ em sẽ diễn ra hàng loạt những thay đổi về hình dáng, cơ quan sinh dục, tâm sinh lý, phân biệt rõ giới tính nam/nữ và bắt đầu có khả năng tình dục, khả năng sinh sản.

Sức khoẻ sinh sản vị thành niên là tình trạng khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những yếu tố liên quan tới cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản ở tuổi vị thành niên.

Nguy cơ hay gặp ở tuổi vị thành niên

Do những thay đổi trên, trẻ vị thành niên dễ bị dụ dỗ, lường gạt, mua chuộc, xâm hại và dễ bắt chước những thói hư tật xấu.

Những nguy cơ hay gặp ở trẻ là: Quan hệ tình dục không an toàn; Mang thai sớm ngoài ý muốn, dễ sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ; làm mẹ quá trẻ; trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh hoặc thậm chí là tử vong; bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai; dễ nảy sinh tâm lý chán nản; phải gánh chịu định kiến xã hội; gánh nặng về kinh tế khi nuôi con; phá thai có thể dẫn đến các tai biến như nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh,... Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thậm chí là HIV/AIDS; Dễ bị lôi kéo sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện.

Những thay đổi về tâm lý ở tuổi vị thành niên

Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ vị thành niên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử như sau:

Tính độc lập: trẻ có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ, chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè để đạt được sự độc lập. Đôi khi, trẻ có biểu hiện chống đối lại các quan điểm của cha mẹ.

Nhân cách: cố gắng khẳng định mình như một người lớn, có hành vi bắt chước người lớn.

Tình cảm: chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương, học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong mối quan hệ với người khác.

Tính tích hợp: thu thập thông tin từ cha mẹ, nhà trường, bạn bè, xã hội,... để tạo ra giá trị của bản thân, tạo sự tự tin và cách ứng xử.

Trí tuệ: trẻ vị thành niên thường thích lập luận, nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa.

quan-he-khi-chua-du-tuoi-thanh-nien-co-vi-pham-phap-luat

Cần chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên như thế nào?

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý

Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn gồm protein, vitamin, khoáng chất, tinh bột,... Cần có sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người thân và thầy cô giáo;

Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,...

Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con, giúp con giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ cần tôn trọng quyết định của con nếu phù hợp. Phụ huynh cũng cần căn cứ vào nhu cầu, sở thích và năng lực của trẻ vị thành niên để hướng nghiệp phù hợp.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

Trẻ nữ cần biết cách vệ sinh thời kỳ kinh nguyệt, đi khám nếu đến 15 – 16 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt và bổ sung viên sắt theo chỉ định của bác sĩ để phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.

Trẻ nam phải biết phát hiện những bất thường về cơ quan sinh dục của mình  ( hẹp bao quy đầu, ẩn tinh hoàn, lỗ tiểu có vị trí bất thường) để đi khám kịp thời; không mặc quần lót bó sát, quá chật.

Tránh xa hình ảnh, phim ảnh, trang web đồi trụy, khiêu dâm.

Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành.

Nếu quan hệ tình dục cần thực hiện tình dục an toàn: chung thủy, sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục để tránh mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây qua đường tình dục và nhất là HIV/AIDS.

Giai đoạn dậy thì - vị thành niên là giai đoạn trung gian chuyển mình từ trẻ con sang người lớn ở trẻ. Cần hết sức lưu ý chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý của trẻ ở giai đoạn này để con có bước đệm vững chắc cho giai đoạn trưởng thành.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...