Cần ngăn chặn kịp thời nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại vùng dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 08/10/2020 12:57 PM (GMT+7)

Nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết sẽ khiến chất lượng dân số bị suy giảm. Vấn đề này cần phải được giải quyết, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số.

Nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết hiện nay vẫn diễn ra rất nhiều tại vùng dân tộc thiểu số. Đây là những nơi kết nối truyền thông còn kém, trình độ dân trí chưa được cao nên công tác triển khai ngăn chặn cũng khá khó khăn, yêu cầu các cấp chính quyền, địa phương cần sát sao, quyết liệt hơn nữa.

Hậu quả của việc kết hôn sớm

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh...

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

nan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet2

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội (KT-XH) 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%, trong đó tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH rất khó khăn như: Mông 59,7%; Xing Mun 56,3%, La Ha 52,7%. Gia Rai 42%; Raglay 38,3%; Bru - Vân Kiều 38.9%,... Trong 40/53 DTTS, tỷ lệ này là trên 20%, trong đó có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50% trở lên; 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60% trở lên.

Xét theo địa bàn cư trú thì vùng trung du, miền núi phía Bắc (đặc biệt là vùng Tây Bắc) và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác: Miền núi phía Bắc 18,9%; Tây Nguyên 15,8%; Đồng bằng sông Hồng 7,9% và Đông Nam bộ 8,1%. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao nhất trong cả nước gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai...

Xét theo giới tính và nhóm tuổi thì tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm của cả nam và nữ giới ở nhóm tuổi tuổi 15 đến 19 tuổi đều có xu hướng gia tăng, từ 2,4% đến 8,4% năm 2011 đến 3,1% và 11,2% năm 2013. Phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn và ở nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỷ lệ tảo hôn ở nữ DTTS cao hơn gần 3 lần so với nam DTTS (tỷ lệ tương ứng là 4,7% và 15,8% so với 1,8% và 5,8%). Tỷ lệ tảo hôn ở nam giới các DTTS cao xấp xỉ 6 lần so với nam giới dân tộc Kinh và gấp 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ tương ứng lần lượt là 18,0% so với 3,3% và 5,8%). Ở nhóm tuổi dưới 18, phụ nữ DTTS có xu hướng kết hôn sớm hơn và có tỷ lệ tảo hôn cao hơn gấp 3 lần so với nam DTTS (nữ DTTS 15,8%, nam DTTS 5,8%).

Xét theo dân tộc thì các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; trong đó 25/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 10%. Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Nguy hiểm việc kết hôn cận huyết

Hiện nay, kết hôn cận huyết tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì với con chú bác. Kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2015 cho thấy: tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,65%, trong đó các DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao gồm: Mạ 4,41%,Mảng 4.36%. Mnông 4,02%, Xtiêng 3,67%,… Hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu … có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống khá cao, lên đến 10%, tức là cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

nan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet

Do là các hủ tục, bên cạnh tác động, ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường, những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất đa dạng, trong đó phải kể đến sự thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu, do nghèo đói, khó khăn về điều kiện tự nhiên,… Chính những nguyên nhân này khiến cho hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay mặc dù công tác tuyên truyền và sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương, nơi có đông đồng bào DTTS, đã được thực hiện tích cực trong thời gian gần đây.

Trước tình hình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng DTTS vẫn còn phổ biến, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng dân số,… gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS.

Qua 3 năm thực hiện, Đề án bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS đã được tuyên truyển sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,… Điều đó phần nào đã cải thiện và nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một số phong tục, tập quán lạc hâu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần được hủy bỏ.

Việc triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số DTTD ở khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....