Cao Bằng: Quyết định 499 sẽ là "đòn bẩy" để nâng cao đời sống cho người Lô Lô

Thứ Sáu, 25/12/2020 07:00 PM (GMT+7)

GiadinhNet - Trong những năm qua, để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nghề. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khách quan và một phần là ngân sách còn ít nên việc nâng cao đời sống cho người dân Lô Lô còn gặp nhiều khó khăn.

Là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, trong những năm qua, Cao Bằng luôn nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế cũng như chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. 

Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2019, hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 530.340 người với 27 dân tộc. Ngoài sự chênh lệch lớn về sự phát triển chung với các dân tộc khác trong địa bàn tỉnh, người Lô Lô còn gặp rất nhiều khó khăn khác.

Báo cáo số 2961/BC-UBND ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay, Lô Lô là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) nhận được nhiều sự quan tâm để bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê, ở Cao Bằng có 536 hộ dân, với 2.773 nhân khẩu (chia thành nhóm Lô Lô đen và Lô lô hoa), trong đó số lượng người Lô Lô hoa rất ít, chủ yếu chuyển cư từ Hà Giang sang để làm dâu, rể.

Cao Bằng: Quyết định 499 sẽ là đòn bẩy để nâng cao đời sống cho người Lô Lô - Ảnh 1.

Ông Bế Văn Hùng (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Lô Lô trong chuyến khảo sát tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng.


Người Lô Lô cư trú chủ yếu tại 11 xóm thuộc 4 xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, là huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, trung tâm huyện Bảo Lâm cách thành phố Cao Bằng 175km, huyện Bảo Lạc cách thành phố Cao Bằng 134km. Huyện Bảo Lạc có 306 hộ dân người Lô Lô, với 1.512 nhân khẩu cư trú tại xã Hồng Trị, xã Kim Cúc và xã Cô Ba, còn huyện Bảo Lâm có 230 hộ, với 1.261 nhân khẩu cư trú tại xã Đức Hạnh.

Do dân tộc Lô Lô sinh sống ở nơi có địa hình phức tạp, đất đai để canh tác ít, phần lớn là núi đá nên đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Các số liệu trong Báo cáo cho thấy, diện tích đất canh tác nông lâm nghiệp của người dân Lô Lô chỉ có khoảng 246,5ha (bình quân 750m2/người); trong đó, diện tích trồng lúa là 53,1ha (chiếm 21,5%), diện tích nương rẫy là 193,4 ha (chiếm 79,5%), chủ yếu là làm nương rẫy trồng ngô, lúa.

Ngoài ra, do sống ở xa trung tâm huyện (từ 10 - 60km) nên trình độ dân trí đồng bào dân tộc Lô Lô còn rất thấp, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ còn cao, thiếu hiểu biết dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại, hệ lụy là suy giảm giống nòi. 

Mặc dù, người dân tộc Lô Lô được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định nhưng việc khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn như Trạm y tế xây dựng lâu hiện đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn hoặc quá cũ, bác sĩ tại Trạm chưa đủ… do đó việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến nay, người dân Lô Lô khi ốm đau vẫn duy trì cúng bái và chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian nên tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ trẻ em dân tộc Lô Lô cơ bản được sinh ra tại nhà, việc chăm sóc sức khỏe mẹ, con lúc sinh chưa chu đáo, chưa khoa học nên tỷ lệ chết trẻ dưới 5 tuổi còn ở mức cao.

Cao Bằng: Quyết định 499 sẽ là đòn bẩy để nâng cao đời sống cho người Lô Lô - Ảnh 2.

Ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc Lô Lô. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng.


Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án được triển khai, đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, do những yếu tố có tính chất lịch sử và điều kiện tự nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Lô Lô còn gặp rất nhiều khó khăn. Các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển, hủ tục lạc hậu, suy thoái giống nòi, tiếng nói và văn hóa truyền thống đang dần bị mai một… là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các dân tộc thiểu số rất ít người này.

Để hỗ trợ và phát triển về kinh tế - xã hội cho đồng bào Lô Lô, từ năm 2016 đến nay, hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và địa phương đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, hỗ trợ nghề… Trong đó, hàng triệu cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (cây quế, cây hồi và cây dầu sở) được cấp; 354 con bò cái sinh sản; 167 chuồng trại và mở 7 lớp dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, nước sinh hoạt tập trung, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Năm 2020, dù ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19, nhưng bằng sự nỗ lực, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ đồng bào được vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc thành xóm điểm tiêu biểu bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô với nghề dệt thổ cẩm, du lịch cộng đồng… để phát triển về mặt văn hóa và kinh tế.

Mặc dù Chính phủ và tỉnh Cao Bằng đã luôn nỗ lực để nâng cao đời sống, kinh tế cho đồng bào Lô Lô nhưng thực tế cho thấy, việc phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là trong điều kiện tự nhiên hiện nay rất khó quy hoạch dân cư, phân vùng sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, mặt bằng chung về dân trí của đồng bào thấp, tập quán canh tác, lao động sản xuất của đồng bào Lô Lô chủ yếu là thuần nông, áp dụng tiến bộ khoa học của người dân còn thấp dẫn đến hiệu quả không cao.

Ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 499/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 – 2030", hi vọng là giải pháp căn bản để các chính sách dân tộc phát huy tối đa hiệu quả trong đời sống xã hội, tạo "đòn bẩy" để đồng bào DTTSRIN như Lô Lô thoát nghèo bền vững.

 Quỳnh Mai

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Gần 40% đàn ông Việt gặp vấn đề về bệnh nam khoa

GiadinhNet - Với quý ông, chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì bày tỏ trong...

Khánh Hòa: Nỗ lực chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tại Khánh Hòa chiếm trên 10% tổng dân số và có xu...

Những người đàn ông chậm dậy thì

Lấy vợ gần 2 năm không có con, bị vợ giục, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ cho biết, hệ sinh sản của anh vẫn như...

Cổ tử cung ngắn - nguyên nhân dễ gây sảy thai

Cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó...