Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền: Thách thức của công tác dân số

Thứ Ba, 20/12/2022 04:02 PM (GMT+7)

Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bối cảnh trên đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước.

Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền là tình trạng ở khu vực khó khăn lại có mức sinh cao đến rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp, có nơi rất thấp. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về dân số và phát triển xã hội.

Nhận định về vấn đề này, ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ cho biết, nguyên nhân của tình trạng mức sinh thấp tại các vùng kinh tế phát triển là xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Cùng với đó là tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh.

Cũng theo ông Sơn, thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước.

Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước.

muc sinh hop ly

3 mục tiêu cụ thể để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc:

Thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Mục tiêu của chương trình là: "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước"

Đây là bước cụ thể hóa quan trọng trong việc thực hiện điều chỉnh mức sinh. Trong quyết định này đã xác định 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:

- Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con).

- Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con).

- Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).

Theo số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế hiện nay cả nước có 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (42% dân số); có đến 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp (39%); 2 vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ (1,56)%, đồng bằng sông Cửu Long (1,8%)...

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Trong số này, mức sinh ở TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (1,36 con). Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)...

33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam.

Vùng mức sinh thay thế gồm 09 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Vũ Thị Phương Dung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...