Chỉ cách kiểm soát axit uric trong cơ thể

Thứ Hai, 28/10/2019 12:10 PM (GMT+7)

Axit uric trong máu tăng cao có thể gây ra bệnh gút, kháng insulin, tăng huyết áp... Vậy làm thế nào để kiểm soát tình trạng này?

Purin là một hợp chất tồn tại trong thực phẩm và đồ uống chúng ta ăn hàng ngày như: thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn... Khi vào cơ thể, purin sẽ được gan chuyển hóa. Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là axit uric.

Nồng độ axit uric lành mạnh được thận duy trì trong suốt quá trình tiêu hóa. Sau đó, thận đào thải axit này ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, có trường hợp do thận đào thải kém, rối loạn chuyển hóa purin hoặc cơ thể tiêu thụ quá nhiều chất đạm này sẽ khiến hàm lượng axit uric tăng cao trong máu. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, chúng sẽ lắng đọng thành các tinh thể muối urat ở các khớp, gây ra cơn đau dữ dội. Đây chính là quá trình hình thành bệnh gút.

axituric

Nồng độ axit uric tăng cao còn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe khác như kháng insulin, tăng huyết áp và béo phì.

Bởi vậy, việc thay đổi lối sống là điều cần thiết để kiểm soát sự tích tụ quá mức của axit uric, điều trị và ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến dư thừa axit uric.

Một số gợi ý về chế độ ăn để kiểm soát uric: 

Tăng cường Kali

Kali có khả năng trung hòa axit uric và cản trở sự hình thành tinh thể muối urat xung quanh khớp. Bởi vậy nên tăng kali trong chế độ ăn uống. Chuối là một trong những nguồn cung cấp kali tốt nhất. Tuy nhiên, do mức đường tự nhiên của chuối khá cao, chỉ nên ăn một lượng chuối vừa phải (2 - 3 trái trong ngày).

Ngoài ra, có thể lựa chọn quả bơ, cam và dưa hấu... đều chứa kali và các chất dinh dưỡng có lợi khác cần thiết cho cơ thể. Bổ sung kali từ rau như bí đỏ, cải bó xôi, cải  cầu vồng, khoai tây, atisô, củ cải, các loại đậu như đậu nành tươi, đậu đen, đậu trắng...

Uống nhiều nước.

Những người có tình trạng dư thừa axit uric nên uống 10 đến 12 ly nước lọc (tương đương với 2,5-3l nước mỗi ngày). Nếu bạn không thích nước lọc, có thể pha chế nước lọc với các loại sinh tố trái cây phù hợp để giảm axit uric như: sinh tố bạc hà, dưa chuột, chanh, dưa hấu, cam, dâu tây, xoài, kiwi,...

Bổ sung thực phẩm giàu quercetin.

Quercetin là chất chống ôxy hóa quercetin được biết với tác dụng kháng viêm do nồng độ axit uric cao. Chúng có thể thấy trong một số thực phẩm phổ biến như bắp cải, bông cải xanh, các loại rau xanh đậm, táo, hành tây, tỏi, trà xanh và trà đen.

Nếu bổ sung quercetin tự nhiên từ thực phẩm chức năng, nên bổ sung với liều là 250mg, tối đa 4 lần mỗi ngày.

Sử dụng Cream of tartar:

Cream of tartar là sản phẩm kết tinh của quá trình lên men khi làm rượu có tác dụng giúp cho quá trình nở của bánh tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy, Cream of tartar giúp kích thích tuyến tụy giải phóng một số men tiêu hóa để kiềm hóa máu và nước tiểu, đồng thời hỗ trợ phá vỡ axit uric.

Những ai muốn kiềm chế chỉ số axit uric có thể sử dụng loại bột này. Cụ thể, có thể cho 1/4 đến 1/2 muỗng cà phê bột này vào ly nước (khoảng 250ml) khuấy tan và uống 2 lần mỗi ngày.

Bột Cream of tartar có thể mua tại siêu thị hoặc các cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm bánh.

Những thực phẩm cần tránh

Thực phẩm giàu purin. 

Gồm các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt nai và các loại nội tạng như gan, lưỡi... Một số loại rau cũng chứa nhiều purin không nên ăn nhiều như nấm, đậu Hà Lan, măng tây, súp lơ và rau bina. Đặc biệt, tránh ăn đồ hải sản như các loại cá (cá tuyết, cá mòi, cá thu, cá cơm...), sò điệp, kể cả cá hồi, trứng cá hồi.

Rượu

Uống rượu góp phần làm mất nước khiến cơ thể khó bài tiết axit uric đúng cách. Đồ uống có cồn cũng là một nguồn purin khiến cơ thể sản sinh nhiều axit uric. Bia và các loại đồ uống lên men khác cũng góp phần vào sự gia tăng axit uric và làm cho bệnh gút bùng phát.

Fructose nhân tạo

Nước trái cây đóng hộp, nước ngọt và nhiều loại đồ uống có hương vị trái cây khác sử dụng chất làm ngọt fructose nhân tạo. Quá trình tiêu hóa chất này có thể dẫn đến việc sản sinh quá nhiều axit uric.

Hạn chế muối

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số axit uric trong máu của bạn cao hơn ngưỡng bình thường, cần kiên trì ăn nhạt hơn, tránh bổ sung thêm natri dưới dạng muối ăn vào bữa ăn của bạn.

Thực phẩm chiên

Nếu bạn là tín đồ của những món chiên, có thể chuyển sang nướng sẽ giảm bớt phần nào tác hại. Ngoài ra, nên kiểm soát bằng cách làm tại nhà thay vì mua các mặt hàng chiên, nướng  sẵn.

Giảm thực phẩm tinh chế

Carbs tinh chế có thể góp phần vào mức axit uric cao và có thể dẫn đến kháng insulin gây ra đái tháo đường.

Nếu axit uric cao quá mức dẫn tới nguy cơ bị bệnh gút, cần đi khám  bác sĩ để được kiểm tra. Một số loại thuốc có thể được kê đơn để ngăn chặn việc sản xuất axit uric như ulocic, zyloprim, lopurin và aloprim. Một số thuốc cũng có tác dụng cải thiện khả năng loại bỏ axit uric của cơ thể.

Tuy nhiên, thuốc điều trị tăng axit uric có thể có tác dụng phụ bao gồm sỏi thận, đau dạ dày, phát ban và buồn nôn.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....