Đảm bảo bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số là góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thứ Bảy, 26/12/2020 11:01 AM (GMT+7)

GiadinhNet - Thời gian qua, mặc dù các cấp ngành đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng giới (BĐG) nhất là trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện.

Còn tồn tại nhiều vướng mắc

Chị Bùi Thị H, dân tộc Mường (trú tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) tâm sự, bản thân chị là hội viên hội phụ nữ của thôn nên thường xuyên được tập huấn về bình đẳng giới. Theo đó, chị hiểu việc chồng say rượu đánh đập mình là vi phạm pháp luật và bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, do lo sợ mất hạnh phúc gia đình và hàng xóm chê cười nên chị đành cắn răng chịu đựng. Nhiều lần, các đoàn công tác tới thu thập thông tin, lắng nghe chia sẻ chị cũng không dám nói với ai về việc mình bị bạo hành.

Trong khi đó, chị Giàng Thị S, dân tộc Mông (trú tại xã Hang Kia huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thật thà cho biết, trước đây có một đoàn công tác đến địa phương chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới, trong đó có việc quản lý tài chính trong gia đình. Tuy nhiên khi chị mang câu chuyện trên để trao đổi với chồng thì bị phản ứng. Không những chồng chị không đưa tiền mà còn đánh đập chị và đòi ly hôn. Bản thân chị S thừa nhận, việc đề nghị của chị đối với chồng là đúng, nhưng phương pháp truyền đạt không hợp lý nên lúc đầu không mang lại hiệu quả. Sau khi nhận được sự tư vấn của mọi người, chị S cùng chồng đã tìm được tiếng nói chung về việc quản lý tài chính trong gia đình.

Bảm bảo bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số là góp phần nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 1.

Cần nỗ lực hơn trong việc đảm bảo bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số


Theo kết quả cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, thì vùng dân tộc thiểu số có 6,66 triệu người là nữ giới, chiếm 49,8%. Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội. 

Theo nghiên cứu này, bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Hiện có 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà chiếm tới 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (H’mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh – Hoa. Hiện phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản chỉ chiếm 26% (trong khi phụ nữ Kinh là 56%).

Bình đẳng giới cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm

Đánh giá về vấn đề BĐG trong vùng DTTS, Tiến Sĩ Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua các con số thống kê cho thấy, Phụ nữ DTTS là nhóm có nhiều nguy cơ tụt hậu hơn cả do tính dễ bị tổn thương "kép" với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người DTTS. Nhận thấy được những khó khăn này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình ưu tiên hướng đến phụ nữ DTTS. Tiêu biểu như chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và sắp tới là chương trình mục tiếu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nhằm hiện thực hóa vấn đề BĐG trong thực tế, thời giới tới, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường lồng ghép giới trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các cấp ngành cần quán triệt tư tưởng, BĐG là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Đối với việc xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cần chú ý đến nhu cầu khác biệt giữa các nhóm hưởng thụ chính sách, bao gồm cả khác biệt giới và khác biệt về văn hóa dân tộc. Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu BĐG. Về cách thức thực hiện chương trình cũng cần xác định các hoạt động phù hợp để cả nam giới và phụ nữ đều có thể tham gia hiệu quả. Ngoài ra, cần bố trí đủ nguồn lực và tài chính để thực hiện các hoạt động lồng ghép giới này.

Bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, việc đảm bảo cơ hội để phụ nữ DTTS tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 cần phải được xác lập từ khâu thiết kế, xây dựng, đến thực thi và giám sát, đánh giá Chương trình. Đây chính là điều kiện quan trọng để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Đông Xuyên

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Gần 40% đàn ông Việt gặp vấn đề về bệnh nam khoa

GiadinhNet - Với quý ông, chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì bày tỏ trong...

Khánh Hòa: Nỗ lực chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tại Khánh Hòa chiếm trên 10% tổng dân số và có xu...

Những người đàn ông chậm dậy thì

Lấy vợ gần 2 năm không có con, bị vợ giục, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ cho biết, hệ sinh sản của anh vẫn như...

Cổ tử cung ngắn - nguyên nhân dễ gây sảy thai

Cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó...