Dân số Việt Nam 2018: Tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

Thứ Sáu, 17/08/2018 12:00 AM (GMT+7)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn đa phương về “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập" vào ngày 18/7/2018 tại Hà Nội. Diễn đàn có sự góp mặt của các đại diện đến từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế có liên quan đến vấn đề Dân số- Kế Hoạch hóa gia đình.

Tại diễn đàn, hàng loạt các con số thống kê đã chỉ ra rằng: Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ đã và đang có nhiều bước phát triển tích cực. Tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam được cải thiện nhanh thể hiện ở các chỉ số phát triển giới ( GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều đang ở mức khá tốt và ngày càng có chiều hướng hoàn thiện. Cụ thể, trong lĩnh vực tham chính, tỷ lệ nữ tham gia vào công tác tại các kì họp Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh rằng: Thúc đẩy bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng và không ngừng của ngành Dân số. Cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với xu thế hội nhập.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng song Việt Nam nói chung và ngành Dân số nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới trước những biến động của thời kì mới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ chưa thực sự được nâng cao. Đặc biệt mức lương thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam giới khoảng 10%,…Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam trong tình hình mới hiện vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề xã hội nguy hiểm khác như: bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. Những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội là một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay.

Kỷ nguyên số và hội nhập có sự ứng dụng rộng rãi các kĩ thuật và công nghệ tiến bộ sẽ nhanh chóng giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, những công việc giải đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ. Điều này sẽ giúp phụ nữ có thể thoải mái và tự do phát triển hơn. Đồng thời đây cũng là kỷ nguyên mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới.

Diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập” đã thảo luận những vấn đề mới phát sinh về bình đẳng giới, xác định những thách thức và cơ hội mới của phụ nữ trong thời kì mới. Từ đó có các các giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội, thúc đẩy bình đẳng giới diễn ra tốt nhất.

System