Đau dạ con sau sinh: Nguyên nhân và cách kiểm soát

Thứ Tư, 10/06/2020 02:22 PM (GMT+7)

Đau dạ con sau sinh là cơn đau do co thắt tử cung. Nguyên nhân một phần là do khi em bé ra đời, tử cung vẫn phải tiếp tục co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài và đồng thời trở về trạng thái ban đầu.

dau0da-con

Đau dạ con sau sinh

Đau dạ con sau sinh là cơn đau do co thắt tử cung. Khi mang thai, tử cung của người mẹ sẽ giãn nở theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Sau khi sinh xong, tử cung của mẹ bắt đầu co thắt để trở về kích thước ban đầu. Việc co thắt này sẽ vô tình gây ra những cơn đau ở bụng.

Những cơn co tử cung giúp đẩy các mô và máu thừa hay còn gọi là sản dịch trong tử cung và đường sinh dục sau cơn vượt cạn của mẹ. Thường thì những cơn đau dạ con sau sinh sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày hoặc có khi lâu hơn tùy vào cơ địa mỗi người. Cơn đau sẽ trở nên dữ dội nhất vào 2 ngày đầu sau sinh và sẽ giảm dần vào ngày thứ 3. Cơn đau càng mạnh thì tử cung của mẹ càng mau co lại và nhanh chóng biến mất.

Có thể hiểu là 2 ngày đầu sau sinh là thời điểm tử cung co hồi nhanh và mạnh mẽ nhất. Nếu lần đầu làm mẹ, tử cung của bạn có độ đàn hồi tốt hơn nên sẽ bớt đau hơn so với những người đã từng sinh con trước đó.

Nguyên nhân đau dạ con sau sinh

Nguyên nhân một phần là do khi em bé ra đời, tử cung vẫn phải tiếp tục co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài và đồng thời trở về trạng thái ban đầu. Một phần nữa là do người mẹ đã gần kiệt sức khi sinh bé nên cơ thể yếu đi và sức chịu đựng rất kém nên cảm giác đau sẽ nhiều hơn khi tử cung co. Và càng đau hơn khi mẹ cho bé bú vì lúc này tử cung co bóp nhiều hơn nên cơn đau càng kéo tới dữ dội hơn.

Điều trị và kiểm soát các cơn đau dạ con

Massage bụng

Một trong những cách để giảm đau sau sinh nhanh là mẹ hãy nhờ người thân massage bụng. Bằng cách này, cơn đau dạ con sẽ suy giảm tức thì, đồng thời nó cũng hỗ trợ đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.

Cách massage khá đơn giản, mẹ sờ trên bụng để kiểm tra xem vị trí nào có khối hơi cứng xuất hiện thì đó chính là dấu hiệu tử cung đang co bóp. Và chỉ cần dùng tay xoa quanh vùng bụng cứng theo chiều kim đồng hồ cho đến khi thấy mềm và dần hết đau là được.

Cho con bú

Cho con bú là một trong những cách khắc phục đau dạ con sau sinh. Khi cho con bú, cơ thể mẹ sẽ giải phóng hormone oxytocin khiến tử cung co hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ mất máu. Với những mẹ sau sinh bị đau dạ con, bác sĩ sẽ khuyên mẹ cho con bú càng nhiều càng tốt bởi lúc này dạ con được co nhiều hơn và mẹ sẽ cảm thấy đau dữ dội nhất.

Tuy nhiên, thời gian đau sẽ nhanh chóng qua đi thay vì đau âm ỉ từ ngày này qua ngày khác. Trong khi đó, con vẫn được ăn no sữa mẹ và lượng sữa mẹ cũng được duy trì ổn định ngay từ đầu.

Nhẹ nhàng thay đổi tư thế nằm

Đối với những sản phụ đẻ thường, mẹ có thể nằm sấp nhẹ nhàng và đặt một chiếc gối dưới bụng để giảm cơn đau tức thời. Đối với mẹ sinh mổ thì biện pháp này rất khó áp dụng.

Không những thế, khi nằm mẹ nên nằm ngủ nghiêng với một chiếc gối kê bên thành bụng hoặc lưng sau để thấy thoải mái nhất và không ngăn cản hoạt động của dạ con.

Tập luyện nhẹ khi nằm

Mẹ nên tập cử động vùng khung sàn chậu và các cơ bắp thành bụng để các cơ không bị co cứng lại và sản dịch đẩy ra nhanh hơn. Việc này còn giúp cơ và các dây chằng sàn chậu đàn hồi tốt hơn, tránh được tình trạng sa tạng vùng chậu sau sinh.

Đi tiểu đúng lúc

Sau khi sinh, mẹ nên uống nước nhiều và đi tiểu thường xuyên để tình trạng đau dạ con cải thiện hơn. Đây là cách giúp tống khứ lượng sản dịch ra khỏi cơ thể mẹ nhanh chóng hơn. Mẹ tránh nhịn tiểu khi đau bụng dễ khiến dẫn đến tình trạng xuất huyết sau sinh hoặc viêm bàng quang.

Ngồi thiền

Sau khi sinh, ngồi thiền cũng giúp tử cung co lại nhanh hơn và giảm các cơn đau bụng. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý, chỉ ngồi một thời gian ngắn rồi lại nằm nghỉ, tránh để gặp tình trạng đau lưng, đau vai gáy về sau.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....