Dạy con cách thích ứng với thay đổi ngoại hình tuổi dậy thì

Chủ Nhật, 06/11/2022 04:42 PM (GMT+7)

Dậy thì đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt về mặt ngoại hình của trẻ. Cơ thể lớn hơn, đồng nghĩa sự quan tâm về mặt ngoại hình của con cũng trở nên lớn hơn. Bị miệt thị ngoại hình có thể gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc, nhất là trong giai đoạn trẻ đang xây dựng hình ảnh bản thân.

Phần lớn các bé trai lẫn bé gái khi bước vào tuổi dậy thì đều mường tượng ra hình ảnh vô cùng lý tưởng về ngoại hình và luôn quan tâm một cách thái quá về những khuyết điểm của cơ thể. Các bé gái thường có xu hướng không hài lòng với diện mạo của bản thân. Nếu điều này cứ in hằn và ám ảnh tâm trí trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ gặp các rối loạn ăn uống và lạm dụng thuốc anabolic steroids, chưa kể đến các vấn đề về cảm xúc và xã hội do sự tự tin và lòng tự trọng thấp gây ra. Vậy nên cha mẹ hãy là những ông bố, bà mẹ thông thái giúp con đương đầu với những thay đổi ngoại hình của mình trong tuổi dậy thì và giúp con học cách chấp nhận bản thân mình nhiều hơn. Dưới đây là một số gợi ý để cha mẹ có thể đồng hành cùng với con trong quá trình con dậy thì và có những thay đổi về ngoại hình:

1/ Giải thích về ảnh hưởng của quá trình dậy thì

Hãy trao đổi để chắc chắn con hiểu rằng việc thay đổi nhanh chóng về mặt cơ thể (tăng cân, da có mụn,…) là một phần bình thường trong sự phát triển của chúng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng để mở đầu những câu chuyện này với con. Bố mẹ có thể sử dụng quy trình ba bước dưới đây để bắt đầu cuộc trò chuyện: (1) Tìm hiểu những gì con đã biết. Ví dụ bố mẹ có thể hỏi "Con có được học về quá trình dậy thì và những thay đổi về thể chất trong các lớp học ở trường không? Các thầy cô đã giới thiệu về những gì rồi?”. (2) Cung cấp cho con thông tin chính thống, sửa lại các thông tin sai lệch. Ví dụ như “Mọi người đều trải qua những thay đổi này, nhưng có thể sẽ ở những thời điểm khác nhau với tốc độ khác nhau.” (3) Sử dụng cuộc trò chuyện như một cơ hội để nói về các giá trị.Đôi khi, bố mẹ có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng cách chọn một cảnh trong phim, chương trình TV, hoặc một cuốn sách mà con vừa đọc. Khi dậy thì, con có thể muốn có nhiều sự riêng tư hơn cho bản thân, bố mẹ hãy để ý tới những khoảnh khắc con cởi mở để chủ động trò chuyện.

1-tuoi-day-thi

2/ Trao đổi về các thông điệp truyền thông

Hiện nay, các chương trình truyền hình, phim ảnh, video âm nhạc,… đang gây ảnh hưởng rất lớn tới cách các con nhìn về thế giới. Ở đâu đó, truyền thông có thể đang ngầm gửi thông điệp: chỉ một loại cơ thể mới được chấp nhận và duy trì vẻ ngoài hấp dẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Bố mẹ sẽ cần lưu tâm về những gì con đang đọc hoặc xem, và chủ động thảo luận thẳng thắn về nó. Ví dụ, bố mẹ có thể giải thích cho con rằng các hình ảnh thường được xử lý kỹ thuật số để mọi người trông “đẹp hơn so với thực tế”.

3/ Lưu ý việc sử dụng Internet và các mối quan hệ bạn bè

Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh của mình và nhận phản hồi từ người khác. Hãy khuyến khích con chia sẻ và thảo luận với bố mẹ về những gì con thấy trên mạng xã hội, để chủ động đảm bảo an toàn cho con.

4/ Trao đổi với con về ngoại hình và giá trị thực của nó

Cho con biết rằng cơ thể khỏe mạnh có những hình dạng khác nhau. Hãy hỏi con những gì con thích về bản thân, và đồng thời cho con biết những gì mà bố mẹ yêu thích ở con. Sự tôn trọng và chấp nhận sẽ giúp con nâng cao lòng tự trọng và khả năng phục hồi. Điều quan trọng là cha mẹ hãy hạ tầm quan trọng của ngoại hình xuống, nhấn mạnh cho trẻ hiểu rằng điều làm nên sự hấp dẫn của một người không phải chỉ riêng ngoại hình, mà còn là sự kết hợp giữa tính cách, tài năng và cách đối nhân xử thế của người đó với mọi người xung quanh. Giải thích cho trẻ rằng rất nhiều gương mặt đẹp và hình thể hoàn hảo của những ngôi sao trong ngành giải trí và thời trang phần lớn đều nhờ vào các kỹ xảo máy tính hay nhờ vào trang điểm. Hãy cho trẻ hiểu rằng bên dưới lớp trang điểm thì những người đẹp nổi tiếng kia cũng chỉ là những con người bình thường mà thôi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm những câu chuyện về cách sống đẹp từ những người xung quanh mà trẻ biết, để trẻ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của vẻ đẹp “tâm hồn”.

5/ Sử dụng ngôn ngữ tích cực

Thay vì nói: “Béo sẽ có hại cho sức khỏe của con đấy.”Hãy nói: “Trọng lượng là một cách để đánh giá sức khỏe của con. Ngoài ra sẽ có cả huyết áp, đồ ăn con ăn và thời gian con ngủ nữa.”Thay vì nói: “Người kia thật là béo.” Hãy nói: Người đó có thể lớn hơn chúng ta, nhưng mỗi người sẽ có những kích cỡ khác nhau và điều đó ổn.” Thay vì nói: “Con không nên ăn thứ đó.” Hãy nói: “Chúng ta xem thử xem có lựa chọn nào khác trong hôm nay không nhé?”

Thay vì nhận xét con, hãy khuyến khích con tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì vận động thể chất. Một hình ảnh cơ thể khỏe mạnh rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng của con trong tương lai. Cha mẹ hãy cùng còn lựa chọn một môn thể thao phù hợp với khả năng và sự thay đổi ngoại hình. Nếu trẻ có chiều cao vượt trội, bạn có thể định hướng cho trẻ tham gia môn bóng rổ. Nhưng nếu như trẻ biết rõ khả năng của mình và muốn tham gia môn bóng đá thì bạn cũng hãy động viên và ủng hộ trẻ, không nên làm trẻ nhụt chí.

tuoi-day-thi-o-nu-keo-dai-bao-lau-5.jpg

Ngoài ra, trẻ tuổi vị thành niên rất hay chú ý đến những “bộ phận mới” trên cơ thể. Vì vậy, cha mẹ không nên bình luận hay trêu chọc về những thay đổi ngoại hình của con như khuôn ngực đang phát triển của bé gái hoặc khi các bé nam xuất hiện râu. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con tự tin vào sự thay đổi ngoại hình của mình. Khi con bạn than phiền rằng “Tóc con xấu quá mẹ à”, bạn hãy gợi ý cho con chú ý vào đôi tay búp măng, nụ cười tươi tắn hoặc đôi mắt đẹp của trẻ. Đôi khi trẻ sẽ giả vờ không quan tâm đến những điểm đó và nghĩ là “Tất nhiên là mẹ luôn nghĩ con xinh rồi, vì con là con của mẹ mà”, nhưng thực ra trẻ sẽ rất vui với những lời khen của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích trẻ phát huy những điểm mạnh của bản thân bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, ăn mặc gọn gàng và giữ điệu bộ thích hợp. Nếu bạn có khiếu thẩm mỹ và biết nắm bắt các xu hướng thời trang của giới trẻ, hãy giúp con chọn lựa trang phục phù hợp để làm nổi bật điểm mạnh của trẻ. Hãy giúp trẻ cảm thấy tự tin vào sự thay đổi ngoại hình bằng những lời khen ngợi đúng cách và đúng hoàn cảnh.

Nếu con dậy thì muộn, hãy giúp con xoa dịu nỗi lo đó Bạn có thể cho trẻ xem những bức ảnh của mình khi bạn ở độ tuổi như trẻ, trẻ sẽ nhìn vào ngoại hình của bạn lúc bấy giờ và hiểu ra rằng nếu kiên nhẫn chờ đợi thì mọi chuyện sẽ đâu lại vào đấy. Hoặc bạn có thể đưa cho trẻ những sách báo để cho trẻ có kiến thức về tình trạng dậy thì muộn, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy an tâm hơn.

6/ Phối hợp với Nhà trường

Sẽ có một số dấu hiệu cho thấy con bạn đang tập trung quá nhiều vào cơ thể, hoặc có sự lo lắng và căng thẳng về ngoại hình của mình. Con có thể biểu hiện điều này thông qua việc: Chỉ trích cơ thể của mình - ví dụ, chúng có thể nói rằng “Mình thật xấu xí, liên tục so sánh cơ thể của mình với người khác, không muốn ra khỏi nhà vì vẻ ngoài của mình. Không hoạt động hay thử những điều mới vì mặc cảm cơ thể; ám ảnh về việc giảm cân, hoặc về các bộ phận cụ thể của cơ thể. Dành nhiều thời gian nhìn vào gương hoặc chụp ảnh, và tập trung tìm kiếm những điểm không hoàn hảo trên cơ thể; không ăn vì cảm giác tội lỗi với cơ thể. Trong trường hợp gia đình nhận thấy con đang cần sự giúp đỡ, bố mẹ hãy chủ động liên lạc với Giáo viên hoặc Cán bộ Tâm lý học đường để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết.

 Phần lớn các bé trai lẫn bé gái đều thay đổi ngoại hình khi bước qua tuổi dậy thì. Hãy giúp con chấp nhận sự thay đổi này bằng những cách dạy con và hỗ trợ con đúng đắn. Cha mẹ hãy giúp con tự tin vào sự thay đổi ngoại hình bằng những lời khen đúng cách, thiết lập ranh giới hợp lý, hãy kiên nhẫn nhưng cũng cần thiết lập thời gian hợp lý cho trẻ trong việc chải chuốt và mặc quần áo. Hãy đồng hành cùng con trong giai đoạn quan trọng này nhé!

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....