Dậy thì ở nữ giới: Những thay đổi về thể chất

Thứ Sáu, 25/11/2022 10:30 PM (GMT+7)

Giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Đối với bé gái, những thay đổi về tâm sinh lý khiến các bé vô cùng lo lắng. Đó là lúc bé có những thay đổi về cơ thể cũng như có những rung động đầu đời.

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể bạn thay đổi và trở nên giống người lớn hơn. Việc thay đổi bắt đầu sớm nhất là 8 tuổi hoặc muộn nhất là 13 tuổi. Tuổi dậy thì bắt đầu khi não của bạn gửi tín hiệu đến một số bộ phận của cơ thể để bắt đầu phát triển và thay đổi. Những tín hiệu này được gọi là hormone. Hormone là hóa chất kiểm soát các chức năng cơ thể.

Sự thay đổi về chiều cao và cân nặng

Dậy thì tạo nên sự tăng vọt về chiều cao, dẫn đến việc bé gái có thể tăng chiều cao trung bình gần 9 cm mỗi năm. Khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì ở nữ giới, các bé gái tuổi vị thành niên đột nhiên trở nên ngượng ngùng và lóng ngóng vì sự tăng trưởng chiều cao không phải lúc nào cũng theo tỷ lệ cân đối. Tay chân của trẻ thường dài hoặc ngắn hơn so với phần còn lại của cơ thể, gây bối rối cho trẻ khi phải thích nghi với cơ thể không còn quen thuộc nữa. Chiều cao phát triển đương nhiên sẽ kéo theo sự tăng cân. Việc tăng cân là hoàn toàn bình thường và là một phần của giai đoạn dậy thì, vì nếu không tăng cân, trẻ gái không thể phát triển chiều cao, ngực hay có kinh nguyệt.

Kết cấu cơ thể thay đổi

Các trẻ gái tuổi vị thành niên tiếp tục phát triển lượng cơ cùng lúc với mỡ cơ thể. Trong giai đoạn này, tỷ lệ phần trăm lượng mỡ trong cơ thể trẻ gái sẽ tăng tương ứng với lượng cơ. Lượng mỡ gia tăng này được phân bố ở khu vực giữa trên cơ thể (hông, mông và ngực).

- Khung xương ở vùng chậu của trẻ em gái trong độ tuổi dậy thì cũng có kích thước lớn hơn, rộng và tròn hơn. Điều này biểu hiện cho việc nữ giới đã chuẩn bị sẵn sàng để mang thai và sinh đẻ. 

- Bé gái sẽ có biểu hiện núi đồi dần nhú cao lên, bầu ngực ngày càng to ra và đầy đặn, quầng vú sẫm màu và to hơn. Khi ngực phát triển hoàn thiện, mỗi bên ngực sẽ hình thành rõ ràng và quầng vú không còn bị căng phồng nữa. Bên cạnh đó, các bé gái cũng nhận thấy bầu ngực so với lúc trước nhạy cảm hơn và đôi lúc có dấu hiệu đau tức.

- Lông vùng kín của bé gái bắt đầu mọc xung quanh môi âm đạo, là phần bên ngoài của vùng kín. Lông trở nên đậm màu, thô hơn và phát triển tạo thành hình tam giác ngược. Đôi lúc, lông có thể mọc lan ra vùng bên trong bắp đùi.

Tuyến bã nhờn, tuyến lông phát triển

- Sự xuất hiện của các mụn trứng cá là do các tuyến trên da hoạt động quá mức. Các tuyến này tạo ra bã nhờn - một loại dầu tự nhiên. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, lỗ chân lông trên da của bé gái có thể bị tắc nghẽn do các tuyến này tạo ra quá nhiều bã nhờn, từ đó gây ra mụn. Để phòng tránh mụn trứng cá lan ra, các trẻ gái nên rửa mặt 2 lần một ngày. Nếu như mụn trứng cá vẫn tiếp diễn, nên đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị.

- Một đặc trưng dễ nhận biết trong độ tuổi dậy thì nữ là lông dần mọc ở vùng mu, nách,... Thường khá thưa thớt và nhạt mùa khi lông mới xuất hiện tại các vùng này, sau đó sẽ trở nên đậm màu và rậm rạp hơn.

tuoi-day-thi

Xuất hiện kinh nguyệt

Đây là biểu hiện điển hình cho thấy một người phụ nữ đã sẵn sàng cho quá trình thụ thai và sinh con, vì các cơ quan và hệ thống sinh sản đã hoàn thiện. Kinh nguyệt thường bắt đầu ở độ tuổi dậy thì của nữ từ 12 - 14, tuy nhiên trong một vài trường hợp nó có thể xuất hiện sớm hoặc trễ hơn. Chu kỳ hành kinh ở nữ thường kéo dài trung bình từ 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, chu kỳ kinh của bạn trong giai đoạn đầu, có thể không đều. Đôi lúc, trong 1 tháng có kinh 2 lần hoặc có tháng kỳ kinh không đến. Trẻ em gái sẽ mất từ 2 - 3 năm để cơ thể có được chu kỳ hành kinh đều đặn sau lần có kinh đầu tiên. Cần lưu ý rằng, kinh nguyệt không xuất hiện sau một thời gian dài có thể là một biểu hiện của việc mang thai nếu bạn đã quan hệ tình dục trước đó.

Các trẻ em gái cần nói với cha mẹ hoặc đi khám bác sĩ nếu xuất hiện các vấn đề sau đây với kỳ kinh:

- Chưa có kinh dù đã 15 tuổi.

- Chu kỳ kinh ngưng hoạt động dù trước đó xuất hiện đều đặn mỗi tháng.

- Kinh nguyệt đến muộn hoặc sớm hơn so với bình thường.

- Khoảng cách giữa 2 kỳ kinh nhiều hơn 90 ngày.

- Kinh nguyệt kéo dài nhiều hơn 7 ngày.

- Âm đạo chảy nhiều máu kinh đến nỗi phải thường xuyên thay bằng vệ sinh, 1 - 2 giờ phải thay một lần. 

- Không hoạt động như bình thường được do bị chuột rút nặng.

Tuổi dậy thì ở nữ mang đến sự biến đổi nhanh về cơ thể, có thể khiến trẻ gái cảm thấy không thoải mái với những biến đổi và diện mạo của mình. Trẻ có thể sẽ thấy bất tiện về thể chất, khi một phần cơ thể vẫn chưa phát triển kịp với những phần còn lại. Trẻ có rất nhiều bận tâm trong giai đoạn này, như việc xuất hiện mụn trứng cá và trẻ thấy xấu hổ khi phải ra đường với nhiều nốt mụn trên mặt, mùi cơ thể khiến trẻ không tự tin khi chơi thể thao với các bạn, rồi còn sự phiền phức của kinh nguyệt, mỗi lần đến “ngày đèn đỏ” là bị đau bụng, buồn nôn, tức ngực… Đôi khi, trẻ cũng sẽ cảm thấy ngại khi hỏi về những vấn đề này. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ hãy chuẩn bị trước cho con, trước khi con bước vào tuổi dậy thì để con không quá bỡ ngỡ với những thay đổi của mình.

- Bắt đầu trò chuyện về những thay đổi sinh lý và thể chất với con ở độ tuổi 8 hoặc 9. Vài trẻ sẽ bắt đầu tò mò sớm hơn và có những câu hỏi cho cha mẹ.

- Duy trì việc thảo luận về vấn đề sinh lý và thể chất ở những độ tuổi thích hợp. Duy trì trò chuyện với trẻ vị thành niên và xây dựng dựa trên những cuộc trò chuyện trước.

- Ghi nhận các lo lắng một cách nghiêm túc. Lắng nghe kỹ và đừng chủ quan trước những lo lắng của trẻ về việc mình khác mọi người hoặc cảm giác có gì bất ổn đối với cơ thể trẻ.

kinh-nguyet-khong-deu-o-tuoi-day-thi

- Tránh những bình luận mà sẽ làm trẻ xấu hổ

- Khuyến khích các thành viên khác trong gia đình và bạn bè cư xử như thế.

- Đừng nhầm lẫn trưởng thành về thể chất là trưởng thành toàn vẹn – cần có thời gian để trưởng thành về cảm xúc bắt kịp với cơ thể của trẻ vị thành niên.

- Khi bắt đầu giai đoạn tuổi dậy thì ở nữ giới, cơ thể đang trong giai đoạn thay đổi và phát triển, do đó trẻ vị thành niên cần duy trì một lối sống khỏe mạnh bao gồm chế độ ăn cân bằng, giàu dưỡng chất, vận động thể chất, ngủ sâu và đủ. Duy trì lối sống cân bằng này giúp trẻ phòng tránh các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường và tạo cho bản thân trẻ một hình ảnh khỏe mạnh, tự tin.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....