Để con ở nhà một mình: Những đều cần nhớ để để phòng ngừa các rủi ro và giữ an toàn cho bé

Thứ Năm, 28/05/2020 06:56 AM (GMT+7)

Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải để con nhỏ ở nhà một mình, các bố mẹ nên tìm hiểu các điều sau đây để phòng ngừa các rủi ro và giữ an toàn cho bé nhé.

o-nha-mot-minh

Khi để con ở nhà, cha mẹ nên nhớ dạy con cách xử lý khi gặp nguy hiểm. Cần dạy chúng cách sơ cứu bản thân, nhờ sự trợ giúp của hàng xóm hay gọi các số điện thoại khẩn cấp khi cần.

Tuổi nào trẻ mới được ở nhà một mình?

Mỗi đứa trẻ có một sự trưởng thành khác nhau, vì thế không có quy định pháp lý nào cho độ tuổi trẻ được ở nhà một mình hay một mình rời khỏi nhà.

Tuy nhiên, pháp luật quy định cha mẹ và người chăm sóc trẻ phải có trách nhiệm giữ an toàn cho bé. Nếu bạn để con ở nhà một mình có thể khiến bé gặp phải các mối nguy hại khi còn quá nhỏ để tự chăm sóc bản thân thì tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc mà luật pháp có thể xem xét định tội.

Ba mẹ cần ghi nhớ rằng, nếu một đứa trẻ chưa đủ tuổi hoặc không cảm thấy thoải mái thì không bao giờ được để con ở nhà một mình.

Theo khuyến nghị từ Tổ chức từ thiện trẻ em hàng đầu The NSPCC của Mỹ:

+ Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không bao giờ được để ở nhà một mình.

+ Trẻ em dưới 12 tuổi không nên ở nhà một mình lâu.

+ Trẻ em dưới 16 tuổi không nên để một mình qua đêm.

+ Trẻ em trên 16 tuổi không nên để một mình thường xuyên trong thời gian dài hoặc nhiều đêm.

+ Trẻ em không bao giờ nên bỏ lại trong ngôi nhà có thể khiến bé gặp nguy hiểm như không có điện hoặc nhiệt, có nhiều vật nguy hiểm.

Những điều cần làm nếu bắt buộc phải để trẻ ở nhà một mình

Học cách tự lập là một phần quan trọng cho sự trưởng thành của trẻ. Hơn nữa, giữa công việc và các điều kiện khác nhau của mỗi gia đình, nhiều cha mẹ buộc phải để con nhỏ ở nhà một mình trong khoảng thời gian nào đó.

Vì vậy, ba mẹ hãy dựa vào khả năng độc lập của từng bé để đưa ra các quyết định phù hợp về việc có nên để bé ở nhà một mình hoặc kế hoạch giữ an toàn cho bé khi ở nhà một mình.

Kiểm tra xem bé có cảm thấy an toàn khi ở nhà một mình hay không?

Với các bé từ bậc tiểu học, bạn hãy nói chuyện với con về cảm giác khi bị bỏ lại ở nhà một mình như thế nào. Nếu bé cảm thấy lo lắng, bạn hãy tìm ra nguyên nhân khiến bé lo lắng, chẳng hạn như có phải do bé sợ bóng tối hay cảm giác không an toàn trong khu dân cư.

Bạn cũng nên gặng hỏi con về tất cả những gì mà bạn nghĩ có thể làm con lo lắng và tìm ra giải pháp giúp bé vượt hay nỗi sợ đó.

The NSPCC khuyên với trẻ dưới 12 tuổi, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp trông nom từ người thân trong gia đình, bạn thân hoặc dịch vụ trông trẻ.

Để con ở nhà với anh chị em

Thật tốt nếu đứa trẻ có anh chị ruột vì chúng có thể trông nom lẫn nhau trong khi bố mẹ đi làm. Mặc dù không có quy định về việc trẻ em tự trông nom lẫn nhau, nhưng nếu bạn để con nhỏ ở nhà với một đứa trẻ dưới 16 tuổi thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho sự an toàn của bé.

Vì vậy, cho dù là con có anh chị lớn hơn ở cùng, bạn vẫn cần có biện pháp giám sát và đảm bảo an toàn cho bé.

Tìm người trông trẻ phù hợp

Nếu bạn có thể tìm một người trông trẻ hoặc dịch vụ trông trẻ đáng tin cậy thì thật tốt nhưng ngoài ra, bạn cũng có thể cho con tham gia vào các lớp học hoặc câu lạc bộ để bé vui chơi và học tập. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra xem người giữ trẻ hoặc các trung tâm, câu lạc bộ có sẵn sàng hỗ trợ khi cần giúp đỡ hay không nhé.

Với người trông trẻ, bạn cần kiểm tra thêm bằng cấp hoặc kinh nghiệm giữ trẻ của họ. Nếu có thể, bạn nên tham khảo ý kiến của những gia đình mà người giữ trẻ đó từng làm việc hoặc hỏi về cách họ xử lý các tình huống như bé không chịu đi ngủ đúng giờ, bé không chịu ăn, bé không nghe lời như thế nào…

Bạn cũng nên quan sát thái độ của người trông trẻ trong lần đầu tiếp xúc với bé. Trực giác và cảm giác không phải lúc nào cũng đúng nhưng ba mẹ luôn có sự nhạy cảm nhất định với sự an toàn của con cái, vì vậy bạn nên tin vào cảm nhận của bản thân mình.

Ngoài ra, bạn nên để lại các thông tin sau cho người trông trẻ như:

+ Số điện thoại của bố và mẹ hoặc của những người có thể gọi khi cần gấp như ông bà, họ hàng

+ Để lại số dịch vụ khẩn cấp như cứu thương, cứu hỏa

+ Ghi chú các thông tin về sức khỏe của bé cần lưu ý như bé bị dị ứng những gì? Tủ thuốc của bé ở đâu?

Để bé ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh

Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, bạn cần đảm bảo rằng bé đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân như tự biết lấy đồ ăn, nhận thức được những thứ gây nguy hiểm cơ bản, biết cảnh giác và ghi nhớ lời ba mẹ dặn, biết nhờ người giúp đỡ khi cần (thường là các bé từ 6 tuổi trở lên)… và bạn cần làm những việc sau:

+ Cần trang bị cho bé một chiếc điện thoại và đảm bảo rằng bé có thể tự bấm gọi được cho bố mẹ.

+ Dạy bé ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc ghi lại số điện thoại của bố mẹ và người thân có thể gọi khi cần giúp đỡ.

+ Nếu có thể, hãy lắp đặt camera trong nhà và quanh nhà để bạn có thể giám sát từ xa.

+ Luôn chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi bạn ra khỏi nhà và dặn con giờ ăn, ngủ, đồng thời bố mẹ cũng cần gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng một lần.

+ Khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà.

+ Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm bé không được sờ vào.

+ Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho con. Vì nếu lỡ trong nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì bé sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.

+ Dặn con tuyệt đối không bao giờ được bước chân ra khu vực ban công.

+ Chuẩn bị cho con sách, truyện mà bé muốn đọc hoặc đồ chơi mà bé yêu thích. Cho phép bé xem tivi, chơi máy tính, điện thoại nhưng cần đặt giới hạn các chương trình mà bé được phép xem.

+ Hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc…

+ Hướng dẫn con cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa.

Rất nhiều ba mẹ dặn con không được trả lời khi có người bấm chuông, gọi cửa nhưng điều này không thật sự an toàn cho bé, vì chẳng hạn nếu chung cư hay khu dân cư có hỏa hoạn, bé sẽ không được ai giúp đỡ. Thay vì thế, bạn nên đưa ra các tình huống khác nhau và hướng dẫn bé xử lý như sau:

Dặn con luôn đứng trong cửa khi nói chuyện với bất kỳ ai kể cả người quen.

Nếu con được cảnh báo rằng có nguy hiểm như cháy, nổ, con nhất định không được mở cửa mà hãy nói với người đó rằng: “Cô/chú làm ơn nói chuyện với bố mẹ con” và con phải lập tức gọi điện cho bố mẹ. Nếu bố mẹ chưa bắt máy, con hãy để lại tin nhắn và yêu cầu bố mẹ gọi lại khẩn cấp. Đồng thời, con hãy gọi điện cho ông bà hoặc những người quen mà bố mẹ đã ghi lại số điện thoại.

Nếu con nhìn qua khe cửa và thấy đó là người lạ và họ nói rằng có việc cần gặp bố mẹ, con hãy nói rằng: “Để con gọi cho bố, mẹ” và nếu họ không bỏ đi mà vẫn đợi nghe, con hãy đứng trong cửa và mở loa ngoài để họ nói chuyện với bố mẹ. Tuyệt đối không đưa điện thoại cho họ cầm và con phải đứng ở khoảng cách xa với họ.

Tuyệt đối không mở cửa và nhận bất cứ thứ gì từ người khác, kể cả người quen.

Nếu con thấy có ai đó khả nghi, con hãy lập tức gọi cho bố mẹ, đồng thời làm gì đó để họ nghĩ rằng bố mẹ sắp về nhà hoặc có người thân trong gia đình đang tới.

Hãy gọi điện cho bố mẹ đồng thời la hét lớn nếu ai đó có hành vi cạy cửa hoặc cố gắng làm con hoảng sợ, bị thương.

Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....