Dính buồng tử cung: Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới

Chủ Nhật, 30/10/2022 11:54 PM (GMT+7)

Một trong những bệnh lý phụ khoa mà chị em trong độ tuổi sinh nở dễ gặp phải là dính buồng tử cung. Dính buồng tử cung có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây ra tình trạng hiếm muộn, thậm chí là vô sinh nữ.

1. Dính buồng tử cung là gì?

Dính buồng tử cung là hiện tượng niêm mạc tử cung bị tổn thương có thể do các nguyên nhân: sau nạo hút, thai lưu, sảy thai hoặc một số thủ thuật nạo niêm mạc buồng tử cung, nạo polyp buồng tử cung khiến lớp niêm mạc buồng tử cung bị mất đi và lộ ra lớp dưới niêm mạc. Lớp dưới niêm mạc có tính chất gây dính nên tạo thành những dải xơ dính trong buồng tử cung khiến diện tích buồng tử cung hẹp lại, ngăn cản sự làm tổ của phôi thai.

Nếu bị dính nhẹ buồng tử cung, người phụ nữ thường không có triệu chứng, vẫn có thể mang thai bình thường. Nhưng trong trường hợp dính trung bình, dính nặng hay dính ở vị trí quan trọng thì có thể gây nên vô sinh, thai lưu, sảy thai hoặc sinh non.

20200728_dinh-buong-tu-cung-1

Có hai dạng dính buồng tử cung:

+ Tử cung dính hoàn toàn: Là thành niêm mạc tử cung trước và sau dính hoàn toàn vào nhau người phụ nữ, sẽ dẫn tới vô kinh, vô sinh thứ phát.

+ Tử cung bị dính một phần: Trường hợp này người phụ nữ có số ngày hành kinh ít, lượng máu giảm không đồng nhất. Tuy nhiên họ vẫn sẽ có khả năng mang thai gây ra trường hợp dính buồng tử cung khi mang thai.

2. Nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung

Có rất nhiều nguyên nhân gây dính buồng tử cung, trong đó, phổ biến nhất vẫn là:

+ Nạo, hút thai nhiều lần: Dính buồng tử cung là biến chứng thường gặp của việc nạo, hút thai gây ra. Trong quá trình thực hiện, nếu không đảm bảo chuyên môn của bác sĩ cũng như điều kiện vô trùng có thể khiến cho niêm mạc tử cung bị tổn thương đến lớp đáy, gây dính lại.

+ Bị sót nhau thai sau khi sinh con hoặc sau khi sảy thai, bỏ thai.

+ Hậu quả của việc can thiệp vào tử cung để xử trí các bệnh liên quan.

+ Phụ nữ mắc một số căn bệnh phụ khoa nào đó dẫn tới tình trạng viêm nhiễm nặng vùng kín và không được chữa trị kịp thời, dứt điểm nên lây lan đến sâu trong tử cung dẫn đến dính buồng tử cung.

+ Tầng đáy nội mạc tử cung bị suy thoái nghiêm trọng.

3. Biểu hiện của dính buồng tử cung

dinh-buong-tu-cung-16665148992291579477102

Dấu hiệu của dính buồng tử cung thường gặp ở người bệnh bao gồm:

Rối loạn kinh nguyệt

Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu của dính buồng tử cung. Nguyên nhân là do, bình thường đến chu kỳ, lớp chức năng niêm mạc tử cung sẽ bong ra tạo thành máu kinh. Nhưng khi bị dính buồng tử cung, lớp niêm mạc tăng sinh sẽ ít lại dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt thất thường, kinh ít hoặc vô kinh thứ phát. Lượng máu kinh sẽ phụ thuộc vào mức độ dính buồng tử cung ở từng chị em.

Trong trường hợp dính buồng tử cung ở mức độ nhẹ thì người bệnh vẫn thấy hành kinh theo đúng chu kỳ tuy nhiên, lượng máu hành kinh sẽ ít hơn.Tuy nhiên, nếu dính buồng tử cung toàn phần thì nhiều khả năng nữ giới sẽ bị mất kinh, chu kỳ không đều, thất thường.

Hay đau vùng bụng dưới

Dính buồng tử cung là tình trạng rất dễ gặp phải khi chị em phụ nữ tiến hành nạo hút, phá thai. Một tháng sau khi nạo, hút thai mà bạn thấy dấu hiệu đau râm ran vùng bụng dưới xảy ra thường xuyên và ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì bạn cần sớm đến gặp bác sĩ để xác định xem đó có phải là dấu hiệu bị dính buồng tử cung hay không để được chữa trị, khắc phục kịp thời và dứt điểm.

Không có thai mặc dù không sử dụng biện pháp tránh thai

Sau một thời gian ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai, nếu chị em vẫn không có thai nên đến cơ sở y tế để được chụp tử cung vòi trứng, chẩn đoán tình trạng buồng tử cung. Bởi theo thống kê, khoảng 1,5% trường hợp vô sinh nữ có liên quan đến hiện tượng này.

4. Dính buồng tử cung có thể gây vô sinh? 

Dính buồng tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Khi buồng tử cung bị dính, niêm mạc tử cung không thể phát triển và bong tróc bình thường, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc bế kinh, vô kinh. Nếu không có kinh nguyệt tức là không có dấu hiệu trứng chín và rụng, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người phụ nữ không thể mang thai.

danh-gia-vo-sinh-hiem-muon-nu-anh-1

Nếu buồng tử cung bị dính một phần thì tinh trùng vẫn có thể xâm nhập vào bên trong và kết hợp được với trứng tạo ra phôi thai. Nhưng sau đó, phôi thai không thể đi vào tử cung, gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung hoặc các nguy cơ khác như sảy thai, sinh non.

Nếu buồng tử cung bị dính hoàn toàn thì tinh trùng sẽ không thể đi vào bên trong để giúp trứng thụ tinh được. Đó là một nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

Ngoài ra, dính buồng tử cung còn có thể xảy ra sau các nhiễm trùng như lạc nội mạc tử cung hay viêm nhiễm phụ khoa. Đây cũng là một dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người phụ nữ.

5. Điều trị và phòng ngừa dính buồng tử cung

Điều trị dính buồng tử cung

Mặc dù là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp sảy thai, tuy nhiên bệnh dính buồng tử cung hoàn toàn có thể điều trị được. Phương pháp áp dụng là phẫu thuật, tách phần tử cung bị dính để tái tạo lại buồng tử cung và kết hợp dùng thuốc.

Thời gian và hiệu quả điều trị dính buồng tử cung tùy thuộc vào mức độ tổn thương của niêm mạc tử cung, diện tích dính và tình trạng của người bệnh. Tổn thương tử cung càng nhỏ, diện tích dính thấp thì việc tách dính tử cung và phục hồi sau phẫu thuật sẽ càng nhanh chóng, dễ dàng.

a2-ths_bs_trinh_thi_thuy_thuc_hien_bom_gel_chong_dinh_phong_tai_dinh_buong_tu_cung_sau_phau_thuat_kgkt

Khả năng gỡ dính thành công và có thai lại sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của nội mạc tử cung. Một nghiên cứu cho thấy trung bình khả năng có thai lại lên đến 80% nếu dính nhẹ và 30% nếu dính tử cung nặng.

Trong trường hợp dính tử cung do cơ học (sau khi hút thai), bác sĩ sẽ phải đặt dụng cụ tử cung để tách ra, kết hợp dùng thuốc nội tiết để kích thích niêm mạc mọc dày lại.

Đối với những trường hợp khác, nếu nguyên nhân xuất phát từ viêm nhiễm hay lao sinh dục, người bệnh sẽ phải đảm bảo nguyên tắc chữa các bệnh này triệt để trước, sau đó mới dùng các biện pháp tách tử cung ra.

Phòng ngừa dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung có thể khiến chị em khó có con, vô sinh, hiếm muộn, dễ sảy thai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Do đó, chị em cần biết các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ dính buồng tử cung, đặc biệt là sau sảy hoặc nạo phá thai:

+ Nữ giới nên hạn chế việc nạo, phá thai. Nếu phải tiến hành, bạn nên đến các cơ sở y tế an toàn để thực hiện thủ thuật. Để phòng tránh dính tử cung sau nạo hút thai, bác sĩ thường đặt vòng chống dính cho bệnh nhân. Đồng thời, chị em cũng cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm.

+ Chú ý vệ sinh vùng kín hàng ngày đúng cách để tránh viêm nhiễm, giảm nguy cơ viêm tử cung gây dính.

+ Khi thấy những dấu hiệu dính buồng tử cung, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí kịp thời. Tránh để bệnh kéo dài, gây khó khăn cho việc điều trị sau này, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng dính buồng tử cung khó lường như gây vô sinh.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....