Đổi mới chính sách dân số nhằm khuyến khích sinh con ở người dân

Thứ Bảy, 24/12/2022 08:39 PM (GMT+7)

Thực trạng mức sinh thấp đang tác động, làm gia tăng nhanh tốc độ già hóa dân số, cộng hưởng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế quốc gia. Do đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách dân số phù hợp nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước thời gian tới.

Trong bối cảnh mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang ngày càng nhanh hơn đã và đang dẫn đến những áp lực đáng kể lên hệ thống an sinh xã hội, cũng như làm suy giảm nguồn cung ứng lao động cho nền kinh tế. Những thách thức này đặt ra yêu cầu về tiếp tục đổi mới chính sách dân số. Trong thư gửi ngành Dân số mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị nghiên cứu, đề xuất chiến lược dân số phù hợp với giai đoạn phát triển mới nhằm đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước(1).

Từ những yêu cầu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số...”(2); trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về xu hướng giảm sinh dưới tác động của các yếu tố đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng mức sinh thấp ở nước ta hiện nay và mối quan hệ biện chứng giữa mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh, bài viết đề xuất kiến nghị nhằm đổi mới chính sách dân số Việt Nam đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước. Từ mối quan hệ giữa mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta hiện nay, chỉ có thể cố gắng làm chậm lại tốc độ già hóa dân số bằng cách tích cực, chủ động chuyển trọng tâm chính sách dân số từ giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước một cách thống nhất.

Tổng tỷ suất sinh ở 2 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã ở mức rất thấp, từ 1,27 con/phụ nữ đến 1,5 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh ở vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đang ở mức sinh thay thế (2,04 con/phụ nữ và 2,11 con/phụ nữ). Tổng tỷ suất sinh ở 2 vùng còn lại là Tây Nguyên và trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn cao hơn mức sinh thay thế (2,32 con/phụ nữ và 2,38 con/phụ nữ). Như vậy, chênh lệch về mức sinh còn khá nhiều, nhất là giữa vùng Đông Nam bộ và vùng trung du và miền núi phía Bắc (1,27 con/phụ nữ và 2,38 con/phụ nữ). Mức sinh của cả 6 vùng địa lý - kinh tế ở nước ta sẽ tiếp tục giảm xuống thấp hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 dưới tác động của các yếu tố phát triển. Do đó, để kiểm soát giữ tổng tỷ suất sinh chung của cả nước không giảm xuống dưới 1,6 con (vào năm 2030), cần thực hiện khuyến khích sinh ở cả 6 vùng, không để cho mức sinh ở tất cả các vùng tiếp tục giảm xuống. Ở tất cả các vùng và các tỉnh, thành phố đều phải tích cực chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh.

Thực hiện mục tiêu không để cho mức sinh ở tất cả các vùng tiếp tục giảm, tích cực chuyển trọng tâm từ chính sách giảm sinh sang khuyến khích sinh trên phạm vi cả nước; giữ tổng tỷ suất sinh chung của cả nước năm 2030 không giảm xuống dưới 1,6 con/phụ nữ, giải pháp về chính sách dân số cần thực hiện vận động các cặp vợ chồng sinh từ 2-3 con.

Thứ hai, bổ sung soạn thảo các quy định mới của Luật Dân số phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp ở nước ta hiện nay. Liên quan tới quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện bảo vệ sức khỏe sinh sản, họ cần có quyền đối với quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện làm việc, thu nhập và nuôi dạy con trên cơ sở bình đẳng giới(3). Những quy định mới của Luật Dân số cần được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, có hiệu lực thi hành đến giai đoạn sau năm 2030, khi đất nước sẽ bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già.

muc sinh, chinh sach dan so

Thứ ba, gia tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động thực thi chính sách khuyến khích sinh. Từ quan điểm đầu tư cho công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản là đầu tư cho phát triển bền vững, mang lại hiệu quả trực tiếp về kinh tế, xã hội và môi trường, cần tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc xây dựng và thực thi các giải pháp chính sách về khuyến khích sinh đẻ như: phát triển dịch vụ trông giữ trẻ;  việc làm cho phụ nữ có con nhỏ; nhà ở cho người lao động; v.v..

Phát triển dịch vụ trông giữ trẻ: Một trong những rào cản, khó khăn đối với các cặp vợ chồng/phụ nữ trong việc sinh con, sinh thêm con ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp là thiếu các cơ sở trông giữ trẻ, nhất là với các nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các địa phương cần coi trọng việc bố trí đầu tư ngân sách cho xây dựng, phát triển các dịch vụ trông giữ trẻ em từ bậc tiểu học trở xuống, bao gồm cả nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhất là ở các đô thị và khu công nghiệp. Hệ thống các cơ sở dịch vụ này được phát triển tốt sẽ giúp cho người lao động yên tâm lao động sản xuất, đồng thời không trì hoãn hay ngại việc sinh con.

Việc làm cho phụ nữ có con nhỏ: Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi lao động ở nước ta đều có nhu cầu về việc làm ổn định. Việc chăm sóc, nuôi con nhỏ hay việc sinh thêm con là một yếu tố có thể cản trở tới việc làm ổn định của người lao động. Trong chính sách bảo hiểm xã hội cần có các quy định về tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ, tăng số ngày nghỉ có phép để chăm sóc con ốm, linh hoạt chế độ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi, v.v..

Nhà ở xã hội cho lao động: Một rào cản với việc khuyến sinh là các điều kiện về nhà ở còn hạn chế đối với người lao động, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp. Cần tăng đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội ở các đô thị lớn, khu công nghiệp cho các nhóm đối tượng này. Các giải pháp về khuyến khích kết hôn, sinh con trước tuổi 30 cần gắn với những hỗ trợ được thuê, mua nhà với giá ưu đãi.

Các mục tiêu và hệ thống các giải pháp chính sách về khuyến sinh cần được xây dựng đồng bộ và thực hiện thống nhất ở các địa phương. Không thể đi ngược lại với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhưng với việc xây dựng các giải pháp chính sách dân số phù hợp và kịp thời, chúng ta có thể kiểm soát không để mức sinh giảm quá thấp và làm chậm lại tốc độ già hóa dân số.

Việc tiếp tục đổi mới chính sách dân số nhằm khuyến sinh để thích ứng với quá trình già hóa dân số nhanh ở nước ta hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Cần ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách để công tác dân số ở nước ta trong thời kỳ mới đạt hiệu quả lâu dài(4).

Theo TS. HÀ VIỆT HÙNG

(Viện Xã hội học và Phát triển,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

(1), (4) “Thư Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành dân số Việt Nam nhân dịp 60 năm truyền thống”, http://gopfp.gov.vn/, truy cập ngày 3-2-2022.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.212, tr.151.

(3) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, http://chinhphu.vn, truy cập ngày 3-2-2022.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...