Đừng bao giờ để người già bên cạnh bạn cô đơn

Thứ Sáu, 29/03/2019 08:59 AM (GMT+7)

Người già họ có quá đầy đủ mỏi mệt trong cả cuộc đời tranh đấu cho con cái rồi, đừng để họ phải cô đơn trong “những năm tháng thu tàn” .

nguoi-gia-co-don-2

Các nhà khoa học xác nhận rằng trong não bộ có một khu vực được gọi là “vùng cô đơn” - chịu trách nhiệm cho trạng thái trầm cảm. Khi cô đơn, hormone stress cortisol sẽ tăng cao. Quá trình này sẽ đẩy nhanh huyết áp, nhưng đồng thời làm giảm lưu lượng máu tới các bộ phận quan trọng của cơ thể, và làm suy nhược hệ miễn dịch.

Vì vậy, cô đơn không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của người già.

Năm 2012, tiến sĩ Perissinotto đã tiến hành nghiên cứu khoảng 1.600 người trên 60 tuổi bất kỳ và đưa ra kết luận: có tới 43% khẳng định mình đang cô đơn. Và nữa, 43% này hoạt động thể chất kém hơn hẳn so với số người còn lại. Và đáng sợ hơn nữa: Họ có nguy cơ tử vong trong vòng 6 năm sau đó.

Một nghiên cứu nổi tiếng khác từ những năm 90 thế kỷ 20 của giáo sư Cacioppo (Đại học Chicago) cho thấy, sự cô đơn kéo dài sẽ làm tăng mức hormone gây stresss, đồng thời làm giảm sự sinh sản tế bào bạch cầu, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Như thế, mối liên hệ trực tiếp giữa sự cô đơn với tình trạng bệnh tật và tỉ lệ tử vong là có thật.

Ở nước Anh chẳng hạn, một thống kê xã hội học năm 2016 đưa ra con số giật mình: 2.000 công dân lớn tuổi đang sống trong tình trạng cô đơn. Thế nên ở vùng tây bắc nước Anh mới có một trung tâm trò chuyện qua điện thoại được gọi tên là "The Silver Line Helpline" với mục đích giúp những người già cô đơn giải tỏa nhu cầu trò chuyện.

Trung tâm này hoạt động 24/24, nghĩa là sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chia sẻ của người già bất cứ lúc nào và mỗi tuần luôn có khoảng 10.000 cuộc điện thoại như vậy, trong đó có cuộc mà người gọi chỉ hỏi: "Bây giờ mấy giờ rồi"?

Một lần, khi người trực tổng đài hỏi: "Bà đã sinh nhật tuổi 80 cùng ai?" thì từ đầu dây bên kia là một giọng hổn hển: "Một mình!". Người trực tổng đài hỏi thêm một câu nữa, đầu dây bên kia im lặng. Sau đó chỉ là những tiếng "tút... tút..." kéo dài.

Và sau đó người ta phát hiện ra, ở đầu dây bên kia, sau cuộc điện thoại cuối cùng, với những lời hổn hển cuối cùng, một bà lão 80 tuổi đã qua đời. Rõ ràng, không phải bất cứ người già nào cũng có cái hạnh phúc được thực hiện một cuộc điện thoại với con cái (cho dù còn con cái) trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Những ngày đầu tháng 12 năm 2018, nhiều người Trung Quốc đã rơi nước mắt khi đọc bức thư tuyệt mệnh của một bà lão 80 tuổi với nhan đề: Cảm ơn vì đã chăm sóc mẹ, nhưng mẹ hối hận vì đã sinh ra các con! "Các con trai của mẹ. Hôm nay là ngày 6-6, mẹ đã qua tuổi 80, điều này cũng có nghĩa là mẹ đã sống được 80 năm trên đời rồi. Trải qua một thời gian dài như vậy, mẹ sinh 4 đứa con và nuôi thêm 8 đứa cháu tất thảy. Tức là trong suốt cuộc đời mình, mẹ đã nuôi 12 người, cả con lẫn cháu. Vì vậy mà mẹ nghĩ rằng mẹ đủ từng trải và đủ tiếp xúc để có thể hiểu rõ về những đứa con của mình" - bức thư đã bắt đầu bằng một giọng kể từ tốn và đầy trải nghiệm như vậy.

Và bức thư kết thúc như thế này: “Mẹ không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các con. Mẹ không ăn của các con một bữa ăn nào, cũng không mặc quần áo của các con và càng không tiêu tốn 1 đồng nào của các con. Nhưng các con luôn cho mẹ cảm giác, việc các con đến thăm mẹ giống như là một món nợ, một gánh nặng phải trả.

Ngay cả khi mẹ đã chẳng còn minh mẫn thì mỗi tối, các con vẫn bỏ về nhà mình, không một ai ở lại với mẹ. Chính điều đó đã khiến cho mẹ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Sau khi cha các con qua đời, các con đã ở cạnh mẹ 1 năm 9 tháng. Mẹ biết ơn vì điều này nhưng ở phần còn lại của cuộc đời, mẹ sẽ đi một mình.

Trong hơn 2 năm qua, mẹ đã phải vật lộn với nỗi cô đơn. Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của mẹ, các con đã đến và đều chúc mẹ "Sống lâu trăm tuổi!", nhưng lúc đó mẹ chỉ cười và nghĩ, sống trăm tuổi thật vô dụng.

Và gần đây, bệnh tim của mẹ ngày càng nặng hơn. Mẹ không nói điều đó với các con và mẹ không biết phải nói gì. Mẹ mong rằng bệnh tật sẽ mang mẹ đi gặp cha các con sớm hơn, nếu được như vậy thì mẹ sẽ biết ơn cuộc đời này rất nhiều. Mấy ngày trước, mẹ mơ thấy cha các con. Ông ấy nhìn mẹ cười và nói: “Bà đi với tôi nhé! Bà sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa””.

nguoi-gia-co-don

Vậy mới biết, dường như càng lúc người trẻ chúng ta càng trở nên xa rời với người già. Những ông bà cha mẹ ở quê, lâu lâu mới được một lần con cháu về thăm, hoặc ông bà lặn lội khăn gói lên thành phố thăm con. Còn lại quanh năm suốt tháng là những ngày hiu quạnh. Ông bà cha mẹ ở thành phố, tưởng chừng hạnh phúc hơn vì ở chung nhà con cháu. Nhưng thực tế thì sao? Ở chung nhà nhưng phòng ai nấy ở, hàng ngày con cháu đi làm, đi học, tối về đóng kín cửa phòng, muốn hỏi han gì phải gọi điện. Xa mặt cách lòng, mà gần ngay đó sao tình cảm cũng xa xôi quá!

Người già hiện đại không hay hờn dỗi, mè nheo, trách cứ con cái. Người già hiện đại tự chủ cuộc sống của mình, không làm phiền người khác. Bạn sẽ không thấy cha mẹ mình nhờ vả hay yêu cầu con ở cạnh, con thăm hỏi, con bầu bạn chuyện trò... Bạn thấy họ rất tự tin trong cuộc sống: đi bộ buổi sáng, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, đọc sách, làm vườn... với thái độ ung dung. Nhưng bạn làm sao biết tận trong thâm tâm, họ cần có sự hiện diện của con cháu, người thân biết bao.

Bạn về quê, cha mẹ mừng rỡ tươi cười, xông xáo làm món này, mua món kia cho con cháu. Bạn có biết khi gia đình nhỏ của bạn lên xe về lại thành phố, căn nhà còn lại hai ông bà, trống trải, im ắng và quạnh quẽ biết bao nhiêu?

Buổi tối của đại gia đình bạn ở thành phố rôm rả tiếng nói cười, nhưng khi kết thúc bữa ăn, ai rút về phòng nấy, còn lại ông bà bơ vơ giữa phòng khách với cái ti vi bỗng trở nên vô duyên biết chừng nào?

Bạn có biết ông bà, cha mẹ mình nghĩ gì lúc đó không? Đó là nỗi cô đơn thầm lặng, ngấm ngầm thấm vào lòng, ngày này qua ngày nọ, tạo thành một mối trầm uất khó lòng giải tỏa.

Vậy thì những người con của cha mẹ già, những đứa cháu của ông bà, hãy dành thời gian nhiều hơn nữa bên cạnh người già thân thương của mình.

Bạn là con gái, con dâu thành phố, về quê vài bữa, chịu khó dậy sớm cùng mẹ quét tước sân nhà, hỏi han gà qué vườn tược, lắng nghe những chuyện vụn vặt vì bình thường mẹ mình đâu biết kể ai nghe.

Hãy cùng mẹ ngoắc tay trong tay đi chợ, bàn luận món này món nọ, về nhà nấu nướng và bày biện, nhân tiện học hỏi kinh nghiệm gia chánh của mẹ... Đó sẽ là những bữa cơm gia đình ấm áp nhất mà bạn tặng cho cha mẹ mình.

Bạn là con trai cưng, con rể quý, đừng cắm mặt vào điện thoại mỗi khi về nhà. Hãy đánh cùng một ván cờ, đi bộ vài vòng công viên, hay cùng “ông bô” đánh vật với mấy cái máy móc hỏng hóc trong gia đình. Những việc làm cùng nhau đó, là sự sẻ chia thân ái, tình cảm mà bất cứ người già nào cũng mong muốn.

Đừng để những người già thân thương của mình lầm lũi trong thế giới tĩnh lặng của họ. Hãy đến cạnh bên, một cái nắm tay, một cái ôm, và thật nhiều câu chuyện cùng nhau rủ rỉ mỗi ngày sẽ khiến vùng cô đơn trong tâm trí người già tan biến.

Sống thong thả, an nhiên và luôn được vui vẻ trong lòng sẽ khiến cơ thể mỗi người đẩy lùi bệnh tật. Rất nhiều công trình khoa học đã chứng minh điều đó.

Ai trong chúng ta lại không muốn ông bà cha mẹ mình luôn khỏe mạnh? Không cần một điều kiện vật chất xa hoa, không cần những món ngon vật lạ hay thuốc quý đắt tiền bồi bổ dành cho người già. Phương thuốc hữu hiệu nhất chỉ là sự hiện diện của chúng ta, cùng với một sự sẻ chia ân cần.

Đừng bao giờ để người già bên cạnh bạn cô đơn.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...