Gần 40% phụ nữ Hàn Quốc không có ý định sinh con

Thứ Hai, 05/12/2022 10:16 AM (GMT+7)

Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết, có tới 70% phụ nữ đã không sinh con trong vòng 2 năm và 37,9% trong số đó đã từ bỏ hẳn ý định sinh con.

Môi trường làm việc công sở của Hàn Quốc không dành cho phụ nữ có con

Khi Ashley Park bắt đầu làm việc ở một công ty dược Seoul, hồ sơ của cô cực kỳ hoàn hảo: Tiếng Anh lưu loát, bảng điểm cao, thân thiện với đồng nghiệp. Không ai cảm thấy có vấn đề tới khi Park có thai, theo AFP. 9 tháng sau, họ nói rằng trong công ty không có chỗ cho phụ nữ có con. Khi đó, cô mới nhận ra mọi phụ nữ làm việc trong công ty đều độc thân hoặc không có con, chủ yếu dưới 40 tuổi. Khi Park từ chối nghỉ việc, ông chủ không ngừng bắt nạt cô dưới mọi hình thức: Từ cấm tham dự họp, phớt lờ tại văn phòng như thể cô là "con ma vô hình", hay đe dọa sẽ sa thải chồng cô, người làm việc cùng công ty với vợ. Sau 6 tháng đấu tranh, cuối cùng Park cũng nản lòng và xin nghỉ việc. Một tháng sau cô sinh con gái và trở thành một phụ nữ nội trợ từ đó. Thậm chí, sau này cô đi xin việc cũng bị nhiều nơi từ chối vì biết Park đã có con. 

Theo cuộc điều tra về phụ nữ và gia đình của Hàn Quốc trong giai đoạn 2008-2018 (nhóm phụ nữ trong độ tuổi 15-49), chỉ có 30% trong số 959 người lên kế hoạch "sinh con trong vòng 2 năm" đã có con, trang Korea Bizwire đưa tin. Shin Yoon-jeong- nhà nghiên cứu từ Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết, có tới 70% phụ nữ còn lại đã không sinh con trong vòng 2 năm và 37,9% trong số đó đã từ bỏ ý định sinh con. Năm 2018, người Hàn Quốc tin rằng trung bình mỗi gia đình có 2,1 con là lý tưởng. Tuy nhiên, số con thực tế mà phần lớn phụ nữ mong đợi lại không quá một đứa.

Theo một cuộc khảo sát của Viện phát triển Hàn Quốc công bố hôm 9/5 cho thấy: 54,2 người trẻ chưa kết hôn ở nước này cho rằng việc không sinh con sau khi cưới vẫn ổn. Con số này đã tăng 23,3% so với lần khảo sát cách đây 5 năm. Tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc - số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021, cũng là năm thứ 4 liên tiếp xuống dưới 1% và cho thấy tình trạng nhân khẩu học ảm đạm của quốc gia này. Ngoài ra, khảo sát cho kết quả những phụ nữ đi làm ít có mong muốn sinh con hơn so với những phụ nữ nội trợ toàn thời gian. Nhóm phụ nữ làm kinh tế cũng có xu hướng trì hoãn việc sinh con lâu dài hơn.

hanquoc-sinh-con-ket-hon-1127

Nguyên nhân khiến phái nữ không mặn mà sinh con

Nhiều lý do khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm như giá nhà đất đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, thời gian làm việc dài, thiếu nơi trông trẻ. Chưa kể phụ nữ nếu có con nhưng vẫn đi làm thì phải chịu gánh nặng gấp đôi từ việc nhà. Bên cạnh đó, theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới.

Chưa kể, tư tưởng gia trưởng vẫn ăn sâu trong văn hóa gia đình Hàn Quốc. Chỉ cần xem vài bộ phim truyền hình của xứ sở Kim chi, đặc biệt là thể loại cổ trang, bạn liền thấy vị thế của phụ nữ thấp đến cỡ nào. Ở nhà, họ phải "cúi trên nhường dưới", lo hết việc nội trợ, chăm sóc con cái, cha mẹ chồng. Ngoài xã hội, họ bị đánh giá thấp, bất chấp kỹ năng và trình độ. Gần 85% đàn ông nước này ủng hộ phụ nữ đi làm, nhưng khi được hỏi có ủng hộ vợ đi làm không, con số này chỉ còn 47%. Do đó, tỷ lệ phụ nữ và đàn ông vẫn làm việc sau khi lập gia đình cũng khác biệt rất lớn, với 82% đàn ông và 53% phụ nữ. Gần 75% phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi hôn nhân là điều không cần thiết, họ trì hoãn việc kết hôn, sinh đẻ càng lâu càng tốt và cố gắng tập trung cho công việc.

Áp lực công việc, chi phí nuôi con, việc nhà...khiến phụ nữ không mặn mà chuyện sinh conTrong bối cảnh này, từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 120 triệu USD thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua các chiến dịch khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh nở, nhưng không thành công.

Năm 2018, chính phủ tiếp tục tung ra biện pháp khác, bao gồm trợ cấp chi phí nuôi con 266 USD một tháng, cho phép bố mẹ có con nhỏ hơn 8 tuổi làm việc ít hơn một giờ mỗi ngày để chăm sóc con, xây thêm nhiều trung tâm giữ trẻ ban ngày và mẫu giáo, tăng số ngày nghỉ phép sinh con của đàn ông từ ba lên 10 ngày, dù không bắt buộc. Tuy nhiên, các chính sách mới không ràng buộc về mặt pháp lý và không có hình phạt với doanh nghiệp không cho nhân viên hưởng các chế độ này.

Mới đây nhất, Seoul có kế hoạch tăng các hỗ trợ về thuế cùng ưu đãi khác cho những người trẻ kết hôn và sinh con, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...